Tổng thống Hàn Quốc chấp nhận bị luận tội

TP - Ngập trong bê bối kéo dài, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm qua nói sẽ chấp nhận cuộc bỏ phiếu luận tội, nhưng sẽ đợi quyết định cuối cùng của Tòa Hiến pháp. Đây được cho là dấu hiệu cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này sẽ kéo dài thêm mấy tháng nữa.
Một người biểu tình Hàn Quốc đứng trước trụ sở đảng Saenuri cầm quyền giơ tấm biển ghi “Bà Park Geun-hye, hãy từ chức!”. Ảnh: Jiji

Quốc hội Hàn Quốc dự kiến tổ chức bỏ phiếu luận tội Tổng thống Park Geun-hye vào thứ Sáu này, nhưng ngay cả khi phe đối lập giành được 2/3 số phiếu cần thiết thì kết quả này vẫn phải được Tòa án Hiến pháp thông qua. Quy trình này có thể kéo dài mấy tháng.


Tháng 4, Bà Park sẽ từ chức

Bà Park hôm qua gặp các lãnh đạo của đảng Saenuri cầm quyền. Ông Chung Jin-suk, lãnh đạo của đảng, sau đó nói rằng, Tổng thống sẵn sàng chấp nhận đề xuất của đảng về việc sẽ từ chức vào tháng 4 năm sau, nhưng không đưa ra dấu hiệu sẵn sàng từ chức ngay lập tức. Với nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 2/2018, bà Park có thể trở thành tổng thống dân cử đầu tiên phải rời nhiệm sở trong bê bối.

“Nếu quá trình luận tội diễn ra, và khi kết quả được thông qua, tôi sẽ tôn trọng quy trình của Tòa án Hiến pháp và bình tĩnh làm những điều đúng đắn cho đất nước và người dân”, ông Chung dẫn lại lời bà Park. Thông điệp này cho thấy bà Park không thay đổi quan điểm khi phải đối mặt áp lực rất lớn đòi bà phải từ chức ngay lập tức. Ba đảng đối lập cần ít nhất 28 thành viên của đảng Saenuri chấp nhận để dự luật luận tội được thông qua với 2/3 số phiếu. Ít nhất 29 thành viên của đảng này được tin là sẽ ủng hộ dự luật, các thành viên của nhóm ly khai trong đảng cho biết.

Trong khi đó, người dân vẫn tiếp tục xuống đường đòi bà Park từ chức ngay lập tức. Cuối tuần qua, khoảng 1,7 triệu người tập trung xuống phố, tạo thành cuộc biểu tình đông nhất từ trước đến nay để gây áp lực với nữ tổng thống. Trước đó, hàng chục ngàn công nhân đình công, xuống đường biểu tình, trong khi nhiều sinh viên của khoảng 20 trường đại học không đến lớp mà tham gia các cuộc tuần hành.

Nhiều tập đoàn lớn phải giải trình

Hôm qua, lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn ở Hàn Quốc phải giải trình trước một ủy ban của Quốc hội về liệu họ có quyên tiền cho 2 tổ chức đang trở thành tâm điểm của vụ bê bối liên quan Tổng thống Park Geun-hye và bạn thân Choi Soon-sil nhằm được đối xử đặc biệt hay không. Dù bác bỏ điều này, lãnh đạo GS, một trong các lãnh đạo của 9 tập đoàn bị triệu tập đến phiên điều trần được phát trên truyền hình, thừa nhận rằng rất khó để nói không với chính phủ.

“Có một thực tế ở Hàn Quốc là nếu chính phủ yêu cầu, các công ty rất khó từ chối”, ông Huh Chang-soo, giám đốc tập đoàn năng lượng và bán lẻ GS và cũng là Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hàn Quốc, nói. Hiệp hội này là nhóm vận động hành lang chính cho các tập đoàn được gọi là chaebol ở xứ kim chi. Các tập đoàn kiểm soát doanh thu tương đương hơn một nửa giá trị nền kinh tế Hàn Quốc.

Lãnh đạo tập đoàn Samsung, ông Jay Y. Lee, nói rằng, trong một cuộc họp trước đây, bà Park đã đề nghị ông hỗ trợ để thúc đẩy các hoạt động liên quan thể thao và văn hóa, nhưng không trực tiếp đề nghị quyên tiền. “Thường có nhiều đề nghị, trong đó có các hoạt động văn hóa và thể thao. Chúng tôi không bao giờ đóng góp để được đối xử ưu đãi. Trường hợp này cũng vậy”, ông Lee nói.

Samsung quyên góp 20,4 tỷ won (khoảng 396 tỷ đồng) cho 2 tổ chức phi chính phủ do bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye thành lập và điều hành. Đây là mức cao nhất so với các tập đoàn còn lại. Các công tố viên lục soát văn phòng của Samsung vào tháng trước. Ông Lee bác bỏ cáo buộc từ các nghị sĩ rằng Samsung vận động hành lang để Quỹ lương hưu quốc gia bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch gây tranh cãi năm 2015 của tập đoàn này về việc sáp nhập 2 công ty con của Samsung.


Theo Theo Korea Herald, Japan Times, Yonhap, SCMP