Tổng Thanh tra Chính phủ: Vừa nhận nhiệm vụ đã liên tục nhận tin tố cáo

TPO - “Điện thoại đâu có chữ ký, phải đi xác minh. Tôi lo sau này thụ lý, giải quyết hình thức này sẽ khó cho những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo... Tôi vừa nhận nhiệm vụ mới, tin nhắn tố cáo liên tục đổ về điện thoại. Ngay vừa rồi tôi cũng nhận tin nhắn vào điện thoại”, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói.  
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Sáng 8/11, cho ý kiến về Luật Tố cáo (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, về hình thức tố cáo, Uỷ ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp muốn công nhận hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại. Theo ông Khái, nếu những hình thức này xác định với trách nhiệm cao thì khuyến khích, nhưng với tình trạng nguồn nhân lực hiện nay xử lý không kip, không đáp ứng được thực tế, vì tiếp nhận phải xác minh.

“Điện thoại đâu có chữ ký, phải đi xác minh. Tôi lo sau này thụ lý, giải quyết hình thức này sẽ khó cho những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo... Tôi vừa nhận nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, tin nhắn tố cáo đã liên tục đổ về. Ngay vừa rồi tôi cũng nhận tin nhắn vào điện thoại”, ông Khái nói.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, nên quy định trách nhiệm người tố cáo, phải rõ ràng. Đối với những người bị tố cáo chưa xác minh làm rõ, sẽ ảnh hưởng về uy tín, danh dự, cơ hội bổ nhiệm xem xét quy hoạch của người bị tố cáo.

“Khi giải quyết đơn thư tố cáo có thể xảy ra vi phạm, có thể không. Để thận trọng, nếu chưa có kết luận thì không nên xem xét. Sau này khi đã bổ nhiệm lại phát hiện ra vi phạm thì có thể loại ra”, ông Khái cho hay.

Liên quan đến thời hiệu tố cáo, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cần quy định vào trong luật, nếu không người ta có thể tố cáo bất kỳ lúc nào, kể cả lúc ốm nằm giường gần chết. “Tố cáo nguyên cán bộ công chức là cần thiết, nhưng nên có thời hiệu, nếu không rất khó”, ông Tám nêu, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ cơ sở để đưa ra hai mốc thời hiệu 3 năm và 5 năm trong dự thảo.

Ngoài ra, theo đại biểu Tám cũng cần quy định rõ “điểm dừng” tố cáo, tránh trường hợp đã giải quyết rồi, không hài lòng vẫn đi tố cáo liên miên.

Ủng hộ quan điểm quy định tố cáo cá nhân, nhưng ông Tám đặt vấn đề, trong trường hợp người Việt Nam đang ở nước ngoài mà tố cáo thì có được xem xét không? “Có trường hợp ở nước ngoài đã tố cáo cơ quan xuất cảnh nhận hối lộ, vòi vĩnh thì trong luật này giải quyết thế nào?”, ông Tám nêu.

Ngoài tố cáo cá nhân, đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) còn ủng hộ cả phương án tố cáo tập thể. Thực tế có tập thể cơ quan, tổ chức đứng ra tố cáo, người ta còn biểu quyết, ký tên đóng dấu đàng hoàng, nên phải nghiên cứu, đưa vào luật.

Ông Sùng Thìn Cò cũng nêu ra trường hợp người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, sau đó xuất cảnh về nước, rồi người ta tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam qua đường ngoại giao. Vậy trong trường hợp này, có nên quy định không, ai đứng ra giải quyết? Hay ngược lại, người Việt Nam ở nước ngoài phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, họ tố cáo, thì phải giải quyết. 

“Chúng ta đã hội nhập quốc tế, nên phải tính toán đầy đủ một cách tổng hòa để xử lý cho hài hòa”, đại biểu đoàn Hà Giang nêu. Về hình thức tố cáo bằng thư điện tử, điện thoại, theo đại biểu đang là Phó Tư lệnh Quân khu 2, thực tế đã xảy ra rồi, vậy điều chỉnh thế nào cho phù hợp.

“Chúng ta phải suy nghĩ, dù tố cáo bằng đơn cũng như thư điện tử, điện thoại phải có một quy chuẩn nhất định. Nhưng nếu tố cáo không đúng tôi không giải quyết. Chẳng hạn, phải quy định tố qua thư điện tử, phải in chụp chứng minh nhân dân, tới đây là thẻ căn cước, phải ghi rõ nơi ở, chức vụ nghề nghiệp, nếu không thì không giải quyết”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.