Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình, vì giúp giải quyết được nhiều vướng mắc trong trình tự, thủ tục đầu tư, tạo sự thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp.
Tuy nhiên, theo phương án này phải bổ sung các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Ngoài ra, cần sửa đổi Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.
“Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp mà cần giao địa phương bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân làm việc cả trong và ngoài khu công nghiệp”, ông Tùng nói.
Đáng lưu ý, theo ông Tùng, ngày 3/8, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất họ chỉ thực hiện dự án nhà ở với tư cách cơ quan chủ quản, không trực tiếp là chủ đầu tư dự án. Dự án nhà ở xã hội này chỉ cho thuê, không bán và dùng tài chính công đoàn làm vốn thực hiện, đầu tư.
Một số ý kiến đồng tình với đề xuất này, vì cho rằng như vậy sẽ bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, song đây là dự án vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài nên cần bổ sung đánh giá tác động. Một số ý kiến cho rằng, không nên quy định điều này, vì chưa được đánh giá tác động kỹ về nguồn lực, có thể làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan.
Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần tính toán thật kỹ về quy định phải xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Bởi theo ông, hiện nay các chính sách về nhà ở đã quy định các loại hình như nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà ở thương mại.
Ông Phương đặt vấn đề, nếu quy định phải có nhà lưu trú trong khu công nghiệp thì liệu có xảy ra tình trạng “hết đời cha đến đời con nằm mãi ở trong khu công nghiệp”? Ông đề xuất trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải có quy hoạch nhà ở cho công nhân.
“Ví dụ Thái Nguyên có khu công nghiệp thì buộc Thái Nguyên và nhà đầu tư phải đánh giá nếu lượng công nhân là bao nhiêu, đề nghị địa phương giao đất để xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà thu nhập thấp cho công nhân”, ông nói.
Tổng Liên đoàn không nên “ôm” làm nhà ở xã hội
Về đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Trần Quang Phương nêu quan điểm không đồng tình việc đơn vị này làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Theo ông, việc này nên giao cho UBND cấp tỉnh làm; tổ chức chính trị, xã hội không nên "ôm" việc này.
"Tôi khuyên Tổng LĐLĐ Việt Nam không nên "ôm" nhiệm vụ này. Vì không khéo không hoàn thành nhiệm vụ, lại coi chừng cán bộ vi phạm", ông Phương lưu ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh lại nhấn mạnh sự cần thiết có nhà lưu trú của công nhân trong khu công nghiệp. Theo bà, hình thức này trên thực tế đã tồn tại và được nhiều nơi vận dụng. Nhiều nơi gọi đây là ký túc xá của công nhân và có nhu cầu thiết thực.
“Người lao động trong các khu công nghiệp vì chủ yếu họ là người lao động ngoại tỉnh. Họ cần có một chỗ ở gần khu công nghiệp và chi phí thấp, để có tích lũy cao nhất”.