Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết
Sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, sáng 17/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp phiên bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng bế mạc hội nghị.
Về tình hình thế giới, trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ, Trung ương dự báo bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Để hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023-2025 phải đạt khoảng 7,3%; đây là mức rất cao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn.
Trước tình hình đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức; mà phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, để tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, triển khai thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII.
Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Tổng Bí thư đề nghị các cấp các ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Về phát triển kinh tế, cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững.
Trong đó, chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Các cấp, các ngành tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Về văn hóa, xã hội, cần được quan tâm hơn nữa; văn hóa, xã hội phải phát triển hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao cần tiếp tục chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương; giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết.
Lựa chọn cán bộ thật sự có đức, có tài
Tổng Bí thư nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ, chính quyền các địa phương phải thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Công tác cán bộ phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước; kiên quyết loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Từng cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.
Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương.
Về chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư đề nghị, từ kết quả, kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ lần này, Trung ương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Trung ương cần khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới, tập trung vào 10 năm gần đây; thành lập các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng để các Tiểu ban này, nhất là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự, sớm đi vào hoạt động.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII.