Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi nhưng di sản sống mãi

TPO - 57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn cả cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho Nhân dân. Về với đất mẹ, nhưng di sản trọn đời vì nước, vì dân mà Tổng Bí thư để lại tiếp tục là nguồn cảm hứng dẫn dắt sự nghiệp cách mạng.

“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”

---------Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng------------

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cả cuộc đời ông luôn chăm lo cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân. Trọn cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; mang hết tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết cách mạng, làm việc đến hơi thở cuối cùng, tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho nước, cho dân.

Hình ảnh những dòng người xếp hàng dài trong đêm trên các con phố chờ vào viếng, chờ tiễn biệt Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng cho thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân", "di sản của Tổng Bí thư sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam" như Lời điếu mà Chủ tịch nước Tô Lâm đọc trong Lễ truy điệu.

“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Trong bài viết này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Khi mà đâu đó vẫn còn băn khoăn, thậm chí có cả sự “dao động, ngả nghiêng”, bài viết của Tổng Bí thư đã làm sáng tỏ những giá trị đích thực tốt đẹp của CNXH là thực sự vì con người, vì sự phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường cho thế hệ hôm nay và mai sau. Bài viết giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng vững chắc hơn dựa trên cơ sở hiểu biết sâu sắc toàn diện đầy đủ có căn cứ khoa học, thực tiễn và phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể của Việt Nam.

Từng có hàng chục năm công tác ở Hội đồng Lý luận Trung ương, ông Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương bày tỏ, khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhắc đến một nhà lý luận sâu sắc, suốt đời phấn đầu vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Ông Thông kể, tư tưởng vì dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được thể hiện rõ nét qua các quyết sách, nhất là khi xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng.

“Khi xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư luôn trăn trở vì hạnh phúc của nhân dân nên đã thảo luận và bổ sung phát triển phương châm từ “4 dân”: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thành phương châm “6 dân”: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, ông Thông kể.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ, với tư tưởng "Dân là gốc" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "phát triển" tư tưởng này ngày càng rõ hơn. Tổng Bí thư cho rằng, có dân là có tất cả, mất dân là mất hết. Đây là sợi chỉ đỏ, để cấp uỷ đảng, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn bó mật thiết với nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân là mục tiêu phấn đấu.

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, từ khi còn là sinh viên của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cho đến sau này trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Tổng Bí thư luôn trăn trở trước sự phát triển của nền văn hóa dân tộc, trước vô vàn thách thức của bối cảnh hội nhập quốc tế toàn cầu. Tổng Bí thư nói: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Nếu “đánh mất” những giá trị văn hóa truyền thống, đánh mất bản sắc của mình, thì chúng ta sẽ trở thành một “bản sao mờ” của văn hóa dân tộc khác.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, tại các hội nghị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đều dành dung lượng và thời gian để trao đổi, luận giải về văn hóa và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh đan xen nhiều mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới, giữa hội nhập với phát huy và bảo tồn những giá trị cốt lõi, nhân văn cao đẹp của dân tộc.

Là một nhà văn hóa lớn, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn để lại ấn tượng sâu sắc về khí chất, cốt cách của một con người - một nhân cách văn hóa cao đẹp. Những điều đó được thể hiện không đao to búa lớn mà giản dị, nho nhã, khiêm nhường, trong từng lời nói, từng cử chỉ thực hành văn hóa, trong đạo đức và lối sống, nêu gương hằng ngày. Là một trong những nhà lãnh đạo suốt đời phấn đấu, học tập và cống hiến cho Đảng, cho đất nước và nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thấm nhuần sâu sắc nhiệm vụ và sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ đã xác định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Ông Nguyễn Đức Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) nhìn nhận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các phương diện, cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại... “Riêng về văn hoá, Bác Hồ chủ trì Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 2. Bác Hồ nói: Văn hoá soi đường cho quốc dân đi; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Văn hoá còn thì dân tộc còn. Đó chính là những sự học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, và có sự tiếp nối, vận dụng, sáng tạo phù hợp với điều kiện hiện nay”, ông Nguyễn Đức Hà nói.

Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong số những cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam - được coi là cuốn cẩm nang cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo PGS.TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như vai trò của ông trong công tác phòng, chống tham nhũng, có thể gói gọn ở 5 chữ “nói đi đôi với làm”.

“Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”- hình ảnh sinh động mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đã trở thành biểu tượng về chống tham nhũng. Ông cũng khẳng định, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, "giữ lò nóng để giữ lòng dân".

“Trên thực tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm được như vậy. “Nói đi đôi với làm”, đó là sự khác biệt, vì thế người dân mới tin và yêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như vậy”, PGS.TS. Lê Văn Cương nói. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh, xử lý cán bộ là điều không ai mong muốn, nhưng đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, "xử một vài người để cứu muôn người".

Ngoài chống tham nhũng với hàng trăm cán bộ cấp cao bị xử lý, theo PGS.TS. Lê Văn Cương, dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được thể hiện ở việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi rất nhiều bộ luật, ngăn ngừa tham nhũng. “Quyền lực không được kiểm soát sẽ dẫn đến tha hóa. Tuyên ngôn “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” thực chất cũng là để giám sát và kiểm soát quyền lực”, ông Cương nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ hơn chính là kênh phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, rất có giá trị.

“Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”- hình ảnh sinh động mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đã trở thành biểu tượng về chống tham nhũng”

PGS.TS. Lê Văn Cương

Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, để lựa chọn, bố trí đúng vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy; đừng "nhìn gà hoá cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín". Đồng thời ban hành các quy định để kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm; mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Theo ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), năm 2019, Tổng Bí thư đã ký ban hành Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây được coi như là “tuyên ngôn về công tác cán bộ thời kỳ mới”. Nghị quyết giúp nhận diện rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền; hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức. Việc Nghị quyết 205 ra đời đã ngăn chặn được phần nào tình trạng “bổ nhiệm thần tốc”; bổ nhiệm người nhà, người thân, hay tình trạng “thân tộc chui vào bộ máy”, gây bức xúc trong dự luận.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.

Hay như vấn đề nêu gương, vấn đề từ chức, theo ông Hà, hàng chục năm trước đã đề cập nhưng kết quả thực hiện rất hạn chế. Nhưng từ khi Bộ Chính trị ban hành các kết luận, rồi Quy định số 41-QĐ/TW thì việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm đã dần trở thành bình thường theo đúng phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống".

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hàng chục cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao khi uy tín giảm sút đã chủ động xin nhận trách nhiệm, xin thôi chức. “Điều này cho thấy, việc từ chức đang dần dần trở thành việc bình thường, thành tiền lệ”, ông Hà nói.

Liên quan đến công tác đối ngoại, trong bài viết "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà Lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân", Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bản sắc “Ngoại giao cây tre” được phát huy mạnh mẽ, tạo những bước ngoặt lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác lớn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam.

“Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay và cũng chưa bao giờ Việt Nam lại hòa nhập sâu rộng như hiện nay vào nền kinh tế thế giới, nền chính trị quốc tế và nền văn minh nhân loại”, Chủ tịch nước Tô Lâm nhìn nhận.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, với sự chiêm nghiệm sâu sắc về đường lối đối ngoại qua hơn 70 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã hệ thống hóa một cách toàn diện triết lý đối ngoại của cha ông ta, đúc kết nên trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng thống Nga V. Putin tới Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham gia trực tiếp vào nhiều hoạt động đối ngoại lớn, có ý nghĩa chiến lược. Với các nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” Lào và Campuchia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người luôn quan tâm quy tụ, vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đặc biệt này.

Với các nước lớn, các chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư tới Trung Quốc năm 2022, tới Nga năm 2018 và tới Mỹ năm 2015 cũng như việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2023 và gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga V. Putin tới Việt Nam (2024)… không chỉ mở ra một chương mới trong quan hệ song phương mà còn củng cố hơn nữa vị thế của ta trong cục diện khu vực và thế giới.

Cùng với đó, quan hệ với các đối tác lớn, chủ chốt khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… và việc mở rộng quan hệ với các bạn bè truyền thống ở châu Phi, Trung Đông, Mỹ La-tinh…cũng đã được nâng tầm, nâng cấp, ngày càng bền chặt, hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2023.

Theo PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, Việt Nam có quan hệ tốt và mời được lãnh đạo các nước lớn đến thăm thể hiện bản sắc của ngoại giao cây tre Việt Nam.

“Chính bản sắc đó giúp chúng ta mời được họ đến đây và khiến họ chấp nhận những suy nghĩ của chúng ta về các vấn đề thế giới, về khu vực, về quan hệ song phương”, ông nói và khẳng định, những hoạt động đó góp quan trọng cho lợi ích quốc gia, đồng thời thể hiện chính sách ngoại giao hòa hiếu, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

Năm 2011, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đặt ra quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối, trong đó xác định “kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế”.

Để hiện thực các mục tiêu trên, nhất là trong xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, gần một năm sau (ngày 9/12/2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm các doanh nghiệp và gặp gỡ các doanh nhân.

Nghị quyết này được xem như là bước đột phá trong tư duy, tạo căn cứ cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả, thực sự trở thành một thực thể quan trọng của nền kinh tế. Phát huy những kết quả đạt được, Nghị quyết Đại hội XII nâng tầm khi xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Kể từ đó đến nay, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thống kê cho thấy, đến năm 2023, số lượng doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động đạt hơn 920.000 doanh nghiệp, gấp 3,18 lần so với năm 2010. Tổng vốn đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân đạt 1.919,7 nghìn tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần so với cuối năm 2010. Theo tạp chí Forbes (Mỹ), năm 2024, Việt Nam có 6 tỷ phú USD.

Năm 2023, trước Ngày Doanh nhân Việt Nam 3 ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (ngày 10/10/2023). Nghị quyết xác định, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Từ nghị quyết của Đảng, Chính phủ ban hành chương trình hành động, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD; đồng thời có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ, động viên công nhân, người lao động.

Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Để thực hiện mục tiêu trên, nghị quyết yêu cầu bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ; thực hiện phương thức đối tác công - tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xoá bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng yêu cầu đội ngũ doanh nhân “lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật”.

Từ nghị quyết của Đảng, Chính phủ ban hành chương trình hành động, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD; đồng thời có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Trong Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội, chiếc xe công vụ Toyota Crown đời 1989 mang biển số 80B-2089 được đưa tới Nhà tang lễ Quốc gia. Đây là chiếc xe đã gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong khoảng 18 năm qua. Chiếc xe được đỗ quay đầu vào Nhà tang lễ như để tiễn biệt Tổng Bí thư.

Toyota Crown 1998, 'người cận vệ già' của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo tìm hiểu, chiếc xe này được cấp cho Văn phòng Quốc hội từ năm 1998. Đến năm 2006, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đó nhậm chức Chủ tịch Quốc hội và bắt đầu sử dụng chiếc xe. Khi đó chiếc xe này đã 8 năm tuổi, rồi kể từ đó, chiếc xe gắn bó suốt chặng đường sau này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng thời gian xe lăn bánh trên đường là 26 năm, trong đó gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng suốt 18 năm.

Khi chiếc xe xuất hiện ở Nhà tang lễ Quốc gia, nhiều người đã đến chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm. Chiếc xe ghi đậm dấu ấn phong cách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giản dị, tiết kiệm, khiêm nhường, đơn sơ. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hà - nguyên vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), giữa nhiệm kỳ khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng đề xuất thay xe cho Tổng Bí thư vì chiếc Toyota đã cũ, sử dụng nhiều năm. Thế nhưng Tổng Bí thư không đồng ý, ông nói rằng "xe vẫn đi tốt". Công tác xa đã có xe 7 chỗ gầm cao, xa nữa thì có máy bay. Chiếc Crown chỉ dùng để đi quanh Hà Nội nên không cần phải đổi. Theo Tổng Bí thư, thay xe sẽ phải thêm chi phí, thêm tiền của nhân dân. Kể từ đó, chuyện đổi xe không được Văn phòng nhắc lại nữa.

Có tấm áo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn mặc qua hàng chục năm.

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị nhìn nhận, đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tài được thể hiện trong tư duy, tầm nhìn, những ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo. Điều ấy không những trước mắt mà lịch sử sẽ tiếp tục nhận xét đánh giá. Nhưng những điều người dân bình thường nhận thấy được, những người ở gần càng cảm nhận rõ đó là đạo đức. Không cần giải thích, chứng minh gì nhiều. Chỉ cần nhìn vào sinh hoạt, phong cách, đi lại, tiếp xúc với nhân dân, từ chiếc áo mặc trên người, chiếc kính đeo của Tổng Bí thư là thấy...

Những ngày cuối đời tại Bệnh viện 108, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn vừa điều trị bệnh, vừa nghiên cứu lý luận. Ảnh chụp ngày 10/5/2024. Ảnh: Tư liệu

“Tôi làm việc cùng tôi biết, nhiều vật dụng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng qua mấy chục năm. Như kính, Tổng Bí thư dùng mấy chục năm nay không thay. Hay như chiếc cặp đi làm của Tổng Bí thư hết sức bình dị, dùng hết năm này qua năm khác không thay đổi suốt mấy chục năm. Hay như chiếc áo khoác, áo sơ mi đã mặc sờn cả chục năm từ thời tôi đang làm việc mà Tổng Bí thư vẫn mặc. Điều đó thể hiện một phong cách giản dị, quần chúng, dễ gần”, ông Nghị nói.

Theo ông Nghị, khi tiếp xúc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người gần gũi, thân mật, chân tình. Cảm nhận ấy từ cử chỉ, phong thái con người đồng chí toát ra chứ không phải cố làm trở thành như thế. Những người cố làm thì chỉ lúc này nhưng lúc khác sẽ lộ ra, còn phong thái của đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhất quán, từ chính con người đồng chí.

“Nếu nói riêng một chút, tôi là người tiếp nhận bàn giao cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội sau khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Sự giản dị, gần gũi, thiết thực trong công việc được thể hiện từ những ngày đầu trong buổi gặp bàn giao công việc. Cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy bàn giao không trang hoàng, không cờ hoa, không biển hiệu. Tôi có kể lại việc này trong sách, hôm nhận bàn giao không có cả hoa tặng người đi và người tới. Rất giản dị, khác các cuộc bàn giao ở nơi này, nơi kia”, ông Nghị kể lại.

Nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, điều đó là nhất quán từ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội và khi làm Tổng Bí thư. Nếu ai vào căn phòng làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì sẽ thấy chỉ có một bộ bàn ghế rất bình thường giống trước đây khi làm việc ở Thành ủy Hà Nội. “Về công việc, đồng chí là một người làm việc quên mình. Tôi tin chắc rằng những suy nghĩ về đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên tất cả các cương vị công tác đều là người một lòng một dạ vì Đảng, vì Dân. Đó là điều không ai phải nghi ngờ”, ông Nghị nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, động viên người dân.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chia sẻ: "Cả cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng về sự mẫu mực, liêm chính, chí công, vô tư. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng đồng chí Tổng Bí thư hết sức bình dị, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân kính trọng, tin tưởng, được bạn bè quốc tế trân trọng đánh giá cao".

"Di sản của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà Đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh".

Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ trong Lời điếu đọc tại Lễ truy điệu.