Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong:

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường

TP - Bộ phim tài liệu Đồng chí Lê Hồng Phong-Người chiến sĩ cộng sản kiên cường giới thiệu đến công chúng thân thế, cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, phát sóng tối 5/9 hướng đến kỷ niệm 120 năm sinh của ông.

Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo nội dung, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất phim tài liệu Đồng chí Lê Hồng Phong-Người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Với thời lượng hơn 40 phút, bộ phim giới thiệu đến công chúng thân thế, cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những người làm phim ngược dòng lịch sử về với tuổi thơ của người con đất Nghệ An, làm rõ sự trưởng thành của người thanh niên yêu nước, quá trình giác ngộ cách mạng và có những đóng góp to lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đặc biệt là đối với Đảng ta ở thời kỳ đầu thành lập và phát triển.

Phim bổ sung nhiều tư liệu mới về Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong được biết đến là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự dẫn dắt của Lãnh tụ, đồng chí Lê Hồng Phong từng bước trưởng thành cả về nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), với vai trò Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Hồng Phong có nhiều đóng góp vào việc hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, đúng với những tư tưởng và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong sớm đến với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sớm có cuộc gặp gỡ rất quan trọng định hướng các hoạt động cách mạng của đồng chí ngay từ giữa những năm 20 của thế kỷ XX”, GS.TS Lê Văn Tích, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhận định.

Đoàn làm phim cũng gặp gỡ bà Lê Nguyễn Hồng Minh-con gái duy nhất của hai nhà cách mạng yêu nước Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Sự tự hào, xúc động về người cha và người mẹ vĩ đại này giúp khán giả hiểu rõ hơn về sự hi sinh lớn lao của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và người đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai-họ đã gửi đứa con đỏ hỏn lại nhờ người khác nuôi để tiếp tục làm cách mạng. Bà Hồng Minh kể, hồi nhỏ không biết gì hết cho tới khi được gia đình nhận nuôi cho đi học, khi này mới biết rõ về thân thế ba mẹ ruột. Khi đọc lại lời nhắn nhủ của đồng chí Lê Hồng Phong trước khi mất thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, bà Hồng Minh nói vô cùng xúc động và thương ba. Đó cũng là động lực trong suốt quá trình học tập, rèn luyện sau này. Bà Hồng Minh đi theo công tác nghiên cứu về Đảng, dù được Nhà nước tạo điều kiện ra nước ngoài học ngành cơ khí chế tạo máy.

Nhiều tư liệu quý

Bộ phim là sự kết hợp của những thước phim tư liệu lịch sử sẵn có và những thước phim phục dựng được quay tại Hưng Nguyên, Nghệ An- quê hương Tổng Bí thư, Côn Đảo và các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở Nam Định, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An. “Quê Tổng Bí thư ở Hưng Nguyên, Nghệ An nên khi đến đây chúng tôi đã quay những cảnh nhà tranh, phục dựng lại một số cảnh trong căn nhà tranh để khán giả hiểu rõ hơn về không gian ngày xưa của một gia đình đông con. Những cảnh phục dựng là những cảnh nhỏ để đan xen với hình ảnh tư liệu để đạt hiệu quả, hấp dẫn hơn. Công cuộc đổi mới cũng được quay rất nhiều ở Nghệ An, TPHCM, các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở Nam Định, TPHCM, Nghệ An”, đạo diễn phim Đỗ Thị Huyền Trang, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho hay.

“Có thể nói sự xuất hiện rất kịp thời của đồng chí Lê Hồng Phong trong những ngày khó khăn ấy của cách mạng trong nước đã tạo ra một tư tưởng mới, một niềm tin mới, nhất là khôi phục củng cố được một số tổ chức của Đảng, tạo cơ sở để cách mạng nước ta đi tiếp những bước sau. Cho nên có thể nói công lao của đồng chí Lê Hồng Phong rất lớn trong giai đoạn này. Có lẽ đây cũng là một trong những đóng góp hết sức nổi bật của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Được bấm máy từ tháng 6 năm nay, đoàn làm phim phải gấp rút di chuyển giữa các địa điểm quay để hoàn thành những cảnh quay phục dựng cũng như những cảnh về các thế hệ đảng viên, đoàn viên, thanh niên kế thừa tư tưởng của Tổng Bí thư. “Phim bắt đầu bấm máy vào tháng 6, chúng tôi đã tổ chức hai chuyến về Nam Định quay vào ngày bế giảng của trường. Đoàn làm phim lại vào Nghệ An luôn để quay lễ bế giảng năm học ở quê hương cố Tổng Bí thư. Sau đó vào tháng 7, tháng 8, đoàn phim đi triền miên từ Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Hóc Môn, Bà Rịa-Vũng Tàu và nhiều bối cảnh khác. Tất cả cảnh quay, dựng khi Tổng Bí thư bị giam ở nhà lao Côn Đảo được thực hiện rất khác so với trước kia để tạo được sự hấp dẫn, tạo tiết tấu nhanh, dồn dập”, đạo diễn Huyền Trang nói.

Trong những phim tài liệu trước đây chủ yếu là những tư liệu lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của Tổng Bí thư, phim Đồng chí Lê Hồng Phong-Người chiến sĩ cộng sản kiên cường bổ sung tư liệu về sự kế thừa tư tưởng Tổng Bí thư Lê Hồng Phong của các thế hệ đảng viên, đoàn viên, thanh niên không ngừng bồi dưỡng đạo đức, lý tưởng, góp phần xây dựng đất nước. Sự kế thừa được làm nổi bật nhất ở mảnh đất Nghệ An, cũng như ở thế hệ trẻ.

Tấm gương người cộng sản kiên cường Lê Hồng Phong được Đảng, Nhân dân ghi nhận, được lớp trẻ nhìn vào trong hành trình góp sức dựng xây đất nước. “Kế thừa và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng bí thư Lê Hồng Phong và các bậc tiền bối cách mạng, thanh niên Việt Nam tiếp tục duy trì khát vọng của mình. Chính nhờ khát vọng đúng đắn ấy, lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam cùng dân tộc thực hiện được những kỳ tích. Trong bối cảnh hiện nay, thanh niên Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống của mình, tiên phong đến nơi vùng sâu vùng xa, vùng gặp khó khăn, tiên phong đảm nhận việc mới, việc khó. Chính nhờ sự tiên phong đó, thanh niên Việt Nam có thể khẳng định mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dân tộc”, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ.