Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Theo báo cáo của Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trong những năm qua, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,57%/năm, vượt khoảng 2,56% so với mức tăng bình quân chung cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 79,4 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2011. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó dịch vụ chiếm 67,09%, công nghiệp-xây dựng 29,69%, nông nghiệp 3,22%. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến cuối năm 2017 có 73,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư tăng lên, môi trường đầu tư được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Hà Nội có cải thiện đáng kể, năm 2016 xếp thứ 14/63 (tăng 37 bậc so với năm 2012). Thu ngân sách tăng bình quân 7,3%/năm. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, hiện đại, xanh-sạch-đẹp hơn.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất đánh giá, trong 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, sự phối hợp tích cực của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, đạt được những thành tựu to lớn, tạo sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ và đời sống xã hội Thủ đô, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Hà Nội đã có nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tuy vậy, Hà Nội cũng còn một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Kết quả hợp tác phát triển kinh tế vùng và với các địa phương trên một số lĩnh vực chưa thực sự có chiều sâu. Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu tính bền vững, giá trị gia tăng thấp…
Các ý kiến cũng nhất trí tiếp tục tạo không gian chính sách và quyền chủ động hơn nữa cho chính quyền thành phố, tạo thuận lợi cho Hà Nội tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn. Sau cuộc làm việc này, Bộ Chính trị sẽ ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012, quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội thanh lịch, văn minh và giàu mạnh, thực sự là trái tim của cả nước, thành phố vì hòa bình.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội, với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, hào khí Thăng Long hàng nghìn năm tuổi, là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, là bộ mặt của đất nước, nơi tích hợp hội tụ giá trị tinh thần lâu nhất, lớn nhất của dân tộc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, nếu văn hóa còn thì dân tộc còn, dân tộc còn thì văn hóa còn. Đi vào kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, làm sao giữ cho được bản sắc riêng của Hà Nội, con người Hà Nội với chiều sâu văn hóa, phong cách đàng hoàng, thanh lịch, văn minh. Trong công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rồi mở cửa hội nhập, văn hóa ngoại lai du nhập vào, cái hay có cái dở cũng có, dân cư tăng nhanh kéo theo nhiều vấn đề về quản lý đô thị, bởi vậy cần hết sức quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa, con người Hà Nội. Đây là nguồn lực tinh thần tạo nên sức mạnh (chứ không chỉ có tiền và đất) để xây dựng văn hóa, con người, Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Hà Nội cần hết sức chú trọng giữ gìn kỷ cương trật tự xã hội, quản lý dân cư, quản lý xây dựng, quy hoạch, xây dựng nông thôn mới... Trong quan hệ đối ngoại, Hà Nội là bộ mặt của đất nước, nơi đặt cơ quan đại diện ngoại giao của các nước, các tổ chức quốc tế có quan hệ với Việt Nam. Các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương đều đóng tại Hà Nội. Cho nên, Hà Nội phải thật văn minh, lịch sự, làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước.
Xung quanh công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị, Tổng Bí thư chỉ rõ, Hà Nội còn nhiều việc phải làm. Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước, với gần 40 vạn đảng viên, bao gồm cả lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, nên phải gương mẫu đi đầu, phải là Đảng bộ tiêu biểu của cả nước, kỷ luật kỷ cương phải nghiêm minh, đồng thời thu hút mọi nguồn lực, tinh hoa, chất xám của cả nước và quốc tế để phát triển Thủ đô, để Hà Nội thực sự trở thành thành phố rồng bay, văn hiến, thanh lịch, hòa bình.
Đồng ý về nguyên tắc các kiến nghị của Hà Nội, tuy nhiên Tổng Bí thư nhắc nhở, vấn đề đặt ra là triển khai vào thực tế thế nào, trước hết phải chọn một số việc để tập trung thực hiện. Hà Nội cần chủ động hơn nữa, phối hợp, tranh thủ nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành Trung ương, cũng như các địa phương bạn, để có thêm nguồn sinh lực mới, với khí thế mới, quyết tâm mới đưa Thủ đô Hà Nội vươn lên bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.