> Có hay không tham nhũng chính sách?
Tràn lan
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út cho biết, hiện nay việc cấp phép thăm dò khoáng sản không đúng thẩm quyền, phạm pháp tràn lan, gây thất thoát lãng phí, hủy hoại tài nguyên môi trường. Vậy trách nhiệm của ai? Liệu có tham nhũng, tiêu cực trong vấn đề này?
“Có tham nhũng tiêu cực hay không phải hỏi địa phương. Với trách nhiệm Bộ, chúng tôi cũng không nắm được”, Bộ trưởng Quang trả lời.
Về việc cấp phép trái phép, khai thác khoáng sản tràn lan, Bộ trưởng Quang nhận trách nhiệm về nội dung này do việc thanh tra kiểm tra không thường xuyên. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng cần nhìn nhận sòng phẳng trách nhiệm của Bộ và các địa phương. Nhiều nơi, Bộ, Sở không với tay được mà nằm ở trách nhiệm của cấp tỉnh, huyện và xã.
Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng: “Nếu nói đó là trách nhiệm của địa phương thì Bộ đã có cuộc kiểm tra chuyên đề nào chưa? Nếu nói tham nhũng hỏi địa phương thì trách nhiệm của Bộ ở đâu? ”.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, qua kiểm tra phát hiện 957 vụ vi phạm về khai thác khoáng sản, tuy nhiên chưa xử lý đơn vị nào. “Tới ngày 31/12/2013 sẽ công khai và đề nghị phê bình các tỉnh, đơn vị chưa làm tròn nhiệm vụ kiểm soát việc cấp phép và khai thác khoáng sản tràn lan”, Bộ trưởng Quang nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo không thể chờ tới hết năm mà phải làm ngay sau phiên họp này. Nếu không Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. “Tỉnh nào thiếu trách nhiệm, thiếu tích cực phải báo cáo Thủ tướng, đề nghị hình thức xử lý”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về việc tiêu cực, tham nhũng trong khai thác khoáng sản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Tôi tin là có”. “Cấp phép thế này thì chết. Hơn 900 giấy phép mà quá nửa là vi phạm. Vậy thanh tra ở đâu, kiểm tra, giám sát ở đâu? Sai phạm như vậy mà không ai bị xử lý. Cứ để thế này mãi, tài nguyên khoáng sản của tạo hóa ban cho, của cha ông để lại sẽ bị mất đi, môi trường bị phá hoại”, Chủ tịch Quốc hội lo lắng.
Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) nêu thực trạng đăng ký quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở còn chậm, công tác định giá đất còn nhiều bất cập, còn thấp hơn thị trường rất nhiều.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bày tỏ: “Chúng tôi rất lo lắng vì theo chỉ tiêu được Nghị quyết của Quốc hội đặt ra thì đến ngày 31/12/2013 phải căn bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những trường hợp được cấp lần đầu”.
Tuy nhiên, hiện nay tại các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên còn khó khăn do địa bàn rộng lớn, ngân sách không có nên việc thực hiện còn chậm.
“Nếu chậm thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng việc cấp giấy diễn ra ở địa phương. Nếu địa phương không làm thì Bộ cũng không có cách nào.Tôi cho rằng việc này phải sòng phẳng, nếu bộ thiếu tích cực Bộ trưởng sẽ bị Thủ tướng phê bình, cảnh cáo, còn tỉnh nào thiếu tích cực chủ tịch tỉnh đó phải bị kỷ luật.” - Bộ trưởng nêu quan điểm.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị cần công khai và có biện pháp xử lý các địa phương chậm trễ trong việc này vì ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.
Về công tác định giá đất còn bất cập, Bộ trưởng Quang khẳng định đây là vấn đề nan giải do giá đất đang chạy theo giá đầu cơ của các doanh nghiệp bất động sản, phải đưa giá đất về điều kiện bình thường để giải quyết khung giá, bảng giá. “Chúng tôi sẽ cố gắng tính toán để đảm bảo cho người dân bị thu hồi đất không thiệt thòi quá”, ông Quang nói.
Đối với vấn đề khiếu nại tố cáo đất đai còn gay gắt, kéo dài được nhiều đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Quang cho biết chính phủ đã tập trung chỉ đạo giải quyết.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, vấn đề đất đai chiếm 80% số vụ khiếu nại, tố cáo. Để giải quyết vấn đề này, Tổng Thanh tra đề nghị bên cạnh việc sửa đổi Luật Đất đai cần chỉnh sửa một số cơ chế chính sách liên quan, vì đây là nguyên nhân chính dẫn tới khiếu nại đông người không có xu hưởng giảm. Hơn nữa, cần đẩy mạnh việc tiếp dân định kỳ, tiếp dân thường xuyên để giải quyết khiếu nại, tố cáo.