Cô đơn trong chính nhà mình - Bài 2:
Tôi là người cha tồi
Tiền. Tiền. Tiền
Anh là kiến trúc sư kiêm lãnh đạo một cơ quan có tiếng ở Hà Nội. Vợ anh là chủ kinh doanh chuỗi nhà hàng khách sạn hốt bạc. Anh chị sinh mỗi cậu con năm nay 18 tuổi, đích tôn nối dõi dòng họ. Nhưng niềm hy vọng ấy giờ trở thành nhức nhối của gia đình. Phải mất nhiều thời gian thuyết phục, anh mới kể chuyện buồn như sự hối hận muộn màng...
“Tôi lao vào kiếm tiền. Thứ duy nhất tôi có cho vợ, con là tiền. Chúng tôi mua mấy biệt thự và sắm các loại xe, đồ dùng đắt tiền nhất cho con. Vợ tôi không chịu thua kém, cũng lao vào kiếm tiền. Câu chuyện chung trong gia đình tôi là ai kiếm nhiều hơn, ai giỏi giang hơn mà không hề quan tâm đến thằng nhóc đang lớn lên từng ngày”. Vợ chồng anh ngầm thỏa thuận, những việc lớn như mua nhà, tậu ô tô anh lo, tiền chi tiêu không phải nghĩ. Anh khoán trắng việc nuôi dạy con cho vợ.
“Vì đã phân công trách nhiệm từng việc nên tôi thoải mái nhậu nhẹt với bạn bè, dành các ngày nghỉ chơi tenis, chơi golf với đối tác. Lúc về nhà thấy con ngủ, sáng mẹ nó đưa đến trường rồi. Sống chung một mái nhà nhưng có khi cả tuần tôi không gặp con. Vả lại, tôi chẳng biết nói chuyện gì với nó. Hỏi nó chuyện học có gì khó khăn không, nó đáp “Tốt bố ạ”, anh vò đầu.
Cứ mỗi bữa ăn, Q. con anh, thấy bố mẹ nói chuyện kinh doanh mà chẳng hỏi han chuyện trường lớp, bạn bè nó ra sao. Q. nhìn bố, quay sang mẹ, mặt họ lạnh như tiền. Nó cố ăn thật nhanh để lao lên phòng chơi game, những trò chơi có thể kiếm được tiền ảo. Q. vốn chẳng thiếu thứ gì nhưng nó làm vậy chỉ với mục đích gây sự chú ý của bố mẹ rằng mình cũng tài giỏi, cũng là người biết kiếm tiền. Đó là năm Q. học lớp 5.
Q. ra dáng đại gia từ nhỏ: Con nhà giàu, cao to, đẹp trai, thông minh và học giỏi. Vợ anh vui lắm và càng mừng hơn khi thấy con có gien bố mẹ biết kinh doanh. Số tiền ảo của cậu trong tài khoản trên mạng thuộc dạng khủng. Thấy mẹ vui, để ý đến mình hơn, Q. lao vào chơi game đến mức nghiện. Thấy cậu háo hức kiếm tiền, đám bạn lêu lổng cùng khu phố gạ làm giàu bằng cách chơi bài, cá cược bóng đá, buôn bán đồ cổ...
Chúng nhập bọn thi nhau bòn rút tiền bạc của Q. Mẹ cậu bao lần hốt hoảng mang cả chục triệu, rồi đến trăm triệu để trả nợ, chuộc Q. về. Chị không hé nửa lời với chồng.
Mọi chuyện vỡ lở khi vợ anh không kiếm đủ tiền mặt để chuộc con khỏi đám cờ bạc bịp. Anh hốt hoảng trước sự trượt dốc của cậu ấm. Lúc này vợ anh mới khai thật, mỗi năm con anh nướng cả trăm triệu đồng vào trò cờ bạc. Năm đó Q. học lớp 9 và không thể thi vào trường chuyên như anh mong muốn.
Việc duy nhất làm cho con
Từ ngày đó tôi không nhìn mặt con nữa. Tôi tiếp tục phó mặc mọi rắc rối của nó cho vợ trong khi biết rất rõ nếu tôi quan tâm, con tôi sẽ khác. Không hiểu sao tôi lại làm như vậy. Nói ra thật xấu hổ nhưng việc duy nhất tôi làm cho con khi nó thi trượt vào THPT và lún sâu vào cờ bạc là xin vào trường giáo dưỡng có tiếng dành cho con nhà VIP. Trường này chỉ con nhà quan chức hoặc người có nhiều tiền, quan hệ tốt mới có thể xin học nội trú hoặc bán trú. Được cái thằng bé rất vâng lời bố. Tôi nói vậy nó đồng ý liền.
Nhưng sau cái việc duy nhất anh làm cho Q. - được học ở trường mà bọn trẻ con nhà giàu dù hư hỏng, nghiện ngập đến đâu cũng cắt cơn được; cơ hội làm lại cuộc đời rất rõ – anh lại bỏ rơi con. Những lần thăm con, thấy Q. sút cân, điều kiện học hành, ăn uống nghiêm ngặt, vợ anh một lần nữa giấu chồng xin cho con về chỉ sau 6 tháng học. Với sự đùm bọc của mẹ, Q. tiếp tục lao vào cờ bạc...
“Không phải tôi có bồ mà do vợ tôi không thực hiện được cam kết, không biết dạy con, tôi chẳng muốn về nhà nữa... Tôi biết có thể cứu con, nhưng vòng xoáy tiền tài, danh vọng có sức cuốn hút với tôi hơn. Tôi cứ để vợ giải quyết việc của nó và mặc nó trượt dài. Tôi dành cả ngày cho thú vui của mình mà chưa từng ngồi nói chuyện với con lấy 30 phút. Chúng tôi là cha mẹ tồi.
Lần đầu tiên có người trách mắng tôi thậm tệ. Đó chính là chuyên gia tư vấn tâm lý. Lúc đầu tôi định nổi xung, chẳng thèm nghe mà nhục như vậy. Khi ra đến cửa, một loạt câu hỏi của chị ấy khiến tôi thay đổi cái tôi tự cao, tự đại: “Anh muốn oai phong lắm phải không? Cái oai phong ấy của anh có cứu nổi con anh không? Điều gì với anh là quan trọng nhất?”
Phải, điều gì với tôi là quan trọng đây? Tôi đã ngoài 50 tuổi rồi, con tôi 18. 18 năm trôi qua tôi bỏ mặc nó nhưng giờ lại mong chỉ có vài tháng để quay ngoắt 180 độ trở về như lúc con còn nhỏ, uốn nắn nó đi đúng đường! Tôi là người cha tồi. Con ơi, bố xin lỗi con”.
Lời tâm sự của con trai 17 tuổi!
17 năm trôi qua tôi sống trong gia đình có cuộc sống đầy đủ nhưng tôi ước cuộc sống khó khăn hơn để mọi người gần nhau hơn! Tôi từng nghĩ, gia đình là điểm tựa luôn bên cạnh nhưng tôi đã mất điểm tựa ấy từ lâu rồi. Gia đình chúng tôi buồn nhiều hơn hết. Có những lúc tôi khóc vì không có ai hiểu nỗi khổ của mình.
Tôi tự hỏi: “Bố ơi, mẹ ơi tại sao không hiểu con. Bố đừng hạ thấp con như vậy. Con biết con chưa bằng bạn nhưng con đang cố gắng, đừng lấy con ra so sánh rồi mắng con. Tại sao bố mẹ chưa bao giờ khuyến khích con vậy? Con cần người hiểu con, lo lắng giúp đỡ, cổ vũ con chứ đừng mang con ra sai vặt và chửi mắng. Bố mẹ có biết con buồn lắm không? Có biết con mong chờ sự yêu thương của bố mẹ như thế nào không?”.
Thằng con trai 17 tuổi chỉ ước ao, mong chờ hạnh phúc nhỏ nhoi; tình yêu thương của bố mẹ để thay đổi.
Gia đình ơi, tôi muốn được ở bên gia đình khi vui hay buồn. Tôi muốn là một phần của gia đình, đừng tách tôi ra khỏi thứ mà mọi người luôn có. Bố mẹ ơi, con muốn nói: “Con tin bố mẹ chính là người đem hạnh phúc cho con. Hãy hiểu cho con bố mẹ nhé!”