Mới đây, lời khẳng định trước Quốc hội: “Đa số thực phẩm an toàn nhưng nhân dân không biết…” đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả cả nước. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm trước những ý kiến của độc giả?
Tôi rất lấy làm tiếc bởi khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, do thời gian có hạn nên tôi đã không diễn đạt rõ ràng để người dân hiểu đầy đủ ý của tôi. Trong suốt thời gian công tác, tôi luôn tôn trọng ý kiến của người dân và hiểu rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trong lời phát biểu vào thời điểm đó, tôi muốn nói ý rằng: Chúng ta đúng là có những thực phẩm vi phạm, mất an toàn, nhưng cũng có nhiều sản phẩm an toàn. Nhưng nhân dân thì không có thông tin, đôi khi không có khả năng phân biệt thực phẩm an toàn hay không để yên tâm tiêu dùng.
Vậy làm cách nào để người dân nhận biết đâu là thực phẩm sạch, thưa ông?
ATTP đang là một vấn nạn. Có những nghiên cứu chỉ ra rằng: 90% người dân được hỏi quan tâm số 1 là thực phẩm an toàn. Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, mục tiêu số 1 của ngành nông nghiệp là làm cho nông sản của nước ta chất lượng hơn, an toàn hơn. Chúng ta đã có số lượng dồi dào, những gì nhân dân cần giờ là chất lượng.
Ngành nông nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng các chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn. Trong đó, chúng tôi tổ chức hướng dẫn người dân sản xuất thực phẩm an toàn theo quy trình được hướng dẫn, có giám sát, xác nhận. Sau đó, tổ chức kết nối những cơ sở sản xuất đó với những nhà cung cấp.
Những cửa hàng đó phải có nhãn mác, có thể truy xuất nguồn gốc. Riêng trong 5 tháng vừa qua, chúng tôi đã phối hợp 35 tỉnh xây dựng 280 chuỗi sản phẩm an toàn, được bán tại hơn 500 cửa hàng. Đây là những kinh nghiệm tốt ban đầu, chủ trương của Bộ là trong năm 2016 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục cách tiếp cận này và mở rộng.
Bộ trưởng có thể đưa ra cam kết đến khi nào người dân được dùng thực phẩm sạch?
Thực phẩm sạch, an toàn càng sớm ngày nào là tốt ngày đó. Đây không chỉ là mong muốn của tôi, mà là mong muốn của tất cả nhân dân. Tuy nhiên, nước ta có quá nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ (10 triệu hộ sản xuất), trình độ sản xuất còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trước.
Điển hình về chất cấm, chúng tôi cam kết kiểm soát trong 5 tháng. Thực tế cho đến nay, tình hình chất cấm đã được cơ bản kiểm soát. Đến cuối năm 2016, ngành nông nghiệp cam kết cơ bản không còn tình trạng sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; Căn bản kiểm soát tình trạng buôn lậu chất cấm qua biên giới…
Mặt hàng nông sản đang được 3 Bộ cùng quản lý, giám sát. Thời gian tới các Bộ có kế hoạch phối hợp như thế nào để kiểm soát ATTP hay không, thưa ông?
Tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế, tới đây sẽ tổ chức những Hội nghị, Hội thảo chuyên đề để thông tin rõ ràng, minh bạch tới người dân về những tác hại của các loại chất cấm, hoá chất tới sức khoẻ con người. Cũng như cách nhận biết sản phẩm nhiễm chất cấm, cách đề phòng… Đối với những người làm nông nghiệp, chúng tôi đi sâu vào việc làm thế nào ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh… để đảm bảo sản phẩm sạch được cung cấp đến tay người tiêu dùng.
Ngành nông nghiệp xác định, mục tiêu hàng đầu của ngành là tăng cường chất lượng chuỗi nông sản. Đối với tôi, tôi sẽ chống thực phẩm bẩn đến ngày làm việc cuối cùng.
Trong 2 năm 2014 – 2015, lượng Salbutamol được nhập về Việt Nam lên đến hơn 9.000 kg. Số lượng này đã được xử lý như thế nào?
Theo thông tin từ các ban chuyên môn của Bộ Nông nghiệp tập hợp thì trong số 9.362 kg Salbutamol nhập khẩu. Số lượng đã sử dụng để sản xuất thuốc 1.760 kg, trong kho còn 1.334kg (tính đến 1/2016). Trong số đã bán ra thị trường, cơ quan chức năng đã thu hồi được 2.050 kg, số còn lại đang được kiểm tra tiếp. Cuộc thanh kiểm tra này là phối hợp của 3 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Công an.
Bộ trưởng còn điều gì muốn chia sẻ gì với người dân trước những lo lắng về thực phẩm bẩn hiện nay?
Bản thân gia đình tôi cũng đi chợ mua thực phẩm, ăn uống tại các nhà hàng như bao người dân khác tại Hà Nội. Gia đình tôi cũng có người thân bị ung thư nên tôi thấm thía, chia sẻ nỗi lo liên quan đến sức khoẻ, giống nòi. Vì vậy, cá nhân tôi luôn mong muốn đóng góp để chấn chỉnh tình hình ATTP, Bộ Nông nghiệp Vf PTNT luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Nhân buổi trò chuyện ngày hôm nay, tôi mong muốn gửi lời xin lỗi đến nhân dân và độc giả vì đã diễn đạt không chuẩn xác để nhân dân hiểu lầm, bức xúc. Tôi thực sự mong muốn nỗ lực cùng các Bộ, ngành, đồng nghiệp để thực hiện quyền lợi của người dân. Nhân dân được sử dụng thực phẩm an toàn.
Chỉ còn 3 tỉnh thành còn chất cấm
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, nếu so với thời gian cận Tết Nguyên đán, thì thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3/2016, số lượng vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm rõ rệt. Chỉ còn lại ở 3 tỉnh thành là: T.P Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang. Hàm lượng chất cấm bị phát hiện giảm còn 1,5 – 2% trong khi trước đó là 10 – 20%, như vậy đó là sự thay đổi rất lớn.
Từ 1/7/2016, theo quy định tại Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự. Chỉ cần có dấu hiệu sử dụng chất cấm thì bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng (gây chết 1 người) phạt từ 200 – 500 triệu đồng; phạt tù 3 – 7 năm…