Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển
Mới đây, trước việc Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá đã xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác định dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Tuy nhiên, những ngày cuối tháng Tư, khi tới khu vực bãi cạn Ba Đầu (thuộc phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) qua thiết bị chuyên dùng, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm tàu cá Trung Quốc vẫn xuất hiện, neo đậu dày đặc từng cụm ở đây. Mặc dù thời tiết tốt, sóng yên biển lặng, nhưng tàu cá Trung Quốc vẫn neo đậu nằm yên ở các vị trí có luồng ra vào bãi.
Theo một cán bộ Hải quân Vùng 4 cho biết, theo hướng Tây Nam, từ Bãi Ba Đầu đến đảo Sinh Tồn Đông của ta chừng 9 hải lý (khoảng 16 cây số). Đây là rạn san hô lớn nhất ở phía đông bắc cụm đảo Sinh Tồn có hình dạng giống chiếc lưỡi cày. Bãi Ba Đầu thường chìm sâu dưới nước khoảng 1,5 m. Khi thủy triều xuống và nước cạn, đá san hô nổi lên ngang mặt nước. Từ nhiều năm qua, ngư dân Việt Nam coi đây là ngư trường truyền thống bởi tại đây tập trung nhiều hải sản quý hiếm.
Trong giây phút gặp gỡ bà Hồng ở ngay Trường Sa này, Trung tá Hợp không giấu khỏi niềm vui, miệng tươi cười trò chuyện, còn mắt lại đỏ hoe.
Tàu Kiểm ngư 490 vẫn rẽ sóng lướt về hướng đến đảo Sinh Tồn Đông. Chừng 30 phút sau, từng hồi còi vang lên thả vào không gian mênh mông xanh ngắt giữa trùng dương. Tiếng thủy thủ qua loa tàu rành rọt trầm ấm trên khoang lái, thông báo tàu chuẩn bị cập bến. Mọi người vui sướng, ai nấy ùa ra hai mạn tàu, hướng về phía đảo. Lúc này, đảo Sinh Tồn Đông hiện ra xa xa với những lùm cây xanh mát, những dãy nhà mái đỏ. Ai cũng háo hức cảm nhận giây phút thiêng liêng trực tiếp nhìn thấy hòn đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc, mà bấy lâu nay chỉ được biết qua tài liệu và phim ảnh.
Những chiếc xuồng máy đưa chúng tôi cập bến. Trên đảo, những cán bộ, chiến sĩ đứng thành hàng dọc, chào đón những vị khách quý với nụ cười rạng rỡ. Chỉ huy đảo, Thiếu tá Đỗ Văn Diễn cho hay, đảo Sinh Tồn Đông cách Gạc Ma (nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép) khoảng 20 hải lý về hướng Tây Nam, cách Huy Gơ (Trung Quốc chiếm đóng trái phép) 3,8 hải lý về phía Tây. Đảo là chốt tiền tiêu bảo vệ và khẳng định chủ quyền, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân của ta ra biển đánh bắt cá. Cán bộ chiến sỹ trên đảo sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân. “Trong năm 2022 và đầu năm 2023, tình hình khu vực quần đảo có nhiều diễn biến phức tạp. Nước ngoài gia tăng hoạt động tuần tra, trinh sát; nhiều lượt tàu đánh cá nước ngoài vi phạm chủ quyền. Nhận thức trách nhiệm của mình, cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn kiên định, nêu cao tinh thần chiến đầu, hiệp đồng chặt chẽ với các đảo của ta trong khu vực quản lý tốt khu vực được phân công; chủ động phát hiện sớm, đánh giá đúng tình hình, xử lý đúng đối sách, tham mưu, báo cáo kịp thời về chỉ huy các cấp”, Thiếu tá Diễn nói.
Vững tin bảo vệ chủ quyền biển đảo
Giữa lúc đoàn công tác đi thăm quân, dân trên đảo Sinh Tồn Đông, tôi được chứng kiến cuộc gặp mặt đầy xúc động. Bà Hồ Thị Tuyết Hồng, 62 tuổi, là cán bộ quỹ học bổng Vừ A Dính và CLB Vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu ôm chầm lấy Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông khi nghe giới thiệu. Trong giây phút gặp gỡ bà Hồng ở ngay Trường Sa này, Trung tá Hợp không giấu nổi niềm vui, miệng tươi cười trò chuyện, còn mắt lại đỏ hoe.
Bà Hồng từng là bộ đội, về làm công tác Đoàn, rồi chuyển sang Hội Phụ nữ, nghỉ hưu về tham gia quỹ học bổng này. Chính trị viên phó của đảo Sinh Tồn Đông cũng là hội viên của CLB Vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu và bà biết trường hợp vợ Trung tá Hợp qua CLB đó. “Tôi chỉ biết thông tin là anh Hợp đang công tác ngoài Trường Sa chứ không nghĩ lại gặp ở đây nè. Mừng quá!”, bà Hồng nghẹn ngào, một tay gạt nước mắt, một tay vỗ bộp bộp vào vai Trung tá Hợp động viên.
Khi ra đảo Sinh Tồn Đông được 2 tháng, Trung tá Hợp nhận tin mẹ ở Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bị tai nạn mất. Trong giây phút xúc động đó, Trung tá Hợp nói rằng, đã rất vững tin ở hậu phương. Rồi anh hứa với anh em trong đoàn công tác tiếp tục cùng cán bộ chiến sĩ trên đảo đoàn kết, phấn đấu xây dựng đảo, mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường. “Hải quân nhân dân Việt Nam là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, xứng đáng với tình cảm, niềm tin của đồng bào cả nước dành cho chiến sỹ cách mạng. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng Tổ quốc trong mọi tình huống, xứng đáng với niềm tin, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước, quân đội giao phó”, Trung tá Hợp dõng dạc.
Ánh mắt sắc, kiên định của Trung tá Hợp làm chúng tôi nhớ tới Thiếu tá Nguyễn Bá Đức, Chính trị viên đảo Đá Thị, nơi cách đất liền hơn 335 hải lý, cách đảo Ba Bình (Đài Loan chiếm đóng trái phép) khoảng 13 hải lý. Thiếu tá Nguyễn Bá Đức sinh năm 1984, người huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) có vợ và 2 con sinh sống ở quê nhà. Ra đảo công tác hơn 1 năm, anh chưa một lần về thăm gia đình. Ở nơi đảo xa, khuôn mặt sạm đen vì nắng gió khắc nghiệt nhưng ánh mắt anh đầy niềm tin, tự hào. “Tình hình trên biển Đông còn phức tạp, đảo ở điểm nóng. Những ngày cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ở đây phát hiện nhiều lượt máy bay, tàu nước ngoài xâm phạm. CBCS trên đảo luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không bị bất ngờ trước mọi tình huống. Đây là vùng biển của ta, ngư dân đánh cá ở đây sẽ được hỗ trợ, cấp phát thuốc, chữa trị khi gặp nạn. Đảo tiền tiêu này là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển”, Thiếu tá Đức nói.
(còn nữa)