Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cần độc lập
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Huy Thịnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) tại Việt Nam, trao đổi xung quanh dự thảo Quy định về việc thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT.
Thưa ông, việc kiểm định chất lượng giáo dục ở các nước như thế nào, có quốc gia nào thực hiện giống mô hình Việt Nam đang dự định không?
Hầu hết các tổ chức đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH trên thế giới đều được thành lập từ những năm 1990. Vấn đề này không chỉ mới mà còn đa dạng và phức tạp.
Theo định nghĩa của Hội đồng Kiểm định chất lượng ĐH Mỹ (CHEA), kiểm định là quá trình xem xét chất lượng từ bên ngoài để đánh giá các trường/chương trình đào tạo nhằm mục đích đảm bảo và cải tiến chất lượng.
Như vậy, kiểm định ở nghĩa rộng bao gồm cả tự đánh giá, đánh giá chéo giữa các trường/chương trình, và quan trọng nhất là hoạt động đánh giá và công nhận (đạt chuẩn hay không) của một tổ chức kiểm định độc lập bên ngoài.
Ở Úc, các trường tự đánh giá và kiểm định chất lượng là chính. Một vài hệ thống như Mỹ hay New Zealand, các tổ chức đảm bảo hay kiểm định chất lượng không do chính phủ thành lập. Ngoài ra, ở Mỹ còn có 2 tổ chức công nhận các đơn vị kiểm định: Bộ Giáo dục Mỹ (chính phủ) và CHEA (tư nhân).
Ở Philippines hay Nhật Bản, tồn tại cả 2 loại hình kiểm định do chính phủ và tư nhân thành lập. Tuy nhiên, dù do chính phủ thành lập, các tổ chức này đều từng bước hoạt động độc lập, tự hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số… dựa trên sự tham khảo từ các tổ chức đảm bảo chất lượng khu vực và quốc tế, từ chính các yêu cầu thực tiễn trong khi thực hiện ở phạm vi quốc gia.
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT về việc thành lập, giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định giáo dục thì VN sẽ có 2 loại tổ chức kiểm định: Bộ thành lập và các tổ chức cá nhân thành lập nhưng do Bộ cấp phép và quản lý. Vậy theo ông, mô hình này có hợp lý hay không?
Chúng ta triển khai công tác kiểm định chất lượng khá chậm so với khu vực. Việc Bộ GD-ĐT thành lập và cấp phép cho các loại hình tổ chức kiểm định là chuyện bình thường. Hơn nữa, rất khó tưởng tượng trong điều kiện hiện nay, các trường ĐH Việt Nam lại tin cậy và giao phó việc kiểm định chất lượng cho một tổ chức tư nhân thực hiện.
Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, các tổ chức phải từng bước hoạt động độc lập, dần hoàn thiện các nội dung, tiêu chuẩn, quy trình. Thước đo ở đây là sự tín nhiệm. Một khi việc đánh giá được các trường tín nhiệm thì các tổ chức kiểm định sẽ tồn tại và phát triển.
Theo ông, việc thành lập các tổ chức kiểm định và hoạt động của các tổ chức, cá nhân có cần phải xin phép Bộ GD-ĐT hay không?
"Các tổ chức phải từng bước hoạt động độc lập, dần hoàn thiện các nội dung, tiêu chuẩn, quy trình. Thước đo ở đây là sự tín nhiệm."
Có nhiều cách thành lập: do Bộ, do các hiệp hội chuyên môn, và do các tổ chức giáo dục quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thận trọng vì hiện tại còn rất nhiều khác biệt về nhận thức, nội dung, tiêu chuẩn, phương pháp và quy trình kiểm định chất lượng. Bộ cho phép hay không là một việc, nhưng quan trọng hơn là cách hoạt động và quản lý ra sao.
Nếu tồn tại hai loại hình như Bộ GD-ĐT đưa ra, làm thế nào để đảm bảo sự khách quan, công bằng trong quản lý và hoạt động giữa các tổ chức của Bộ và của các cá nhân khác?
Theo xu thế hội nhập thì nên có nhiều tổ chức kiểm định khác nhau. Khi cho phép thành lập, Bộ cần có quy định hướng dẫn, đảm bảo và tạo điều kiện để các tổ chức hoạt động bình đẳng và có trách nhiệm như nhau. Điều này sẽ làm chất lượng kiểm định tốt hơn vì các đánh giá có thể so sánh, đối chiếu lẫn nhau và việc quan trọng nhất là các trường sẽ chọn tổ chức có chất lượng nhất tham gia kiểm định.
Điều cần chú ý là kiểm định phải hướng đến quốc tế. Chắc chắn các trường sẽ không chọn tổ chức kiểm định mà không thể liên thông với quốc tế cả về tiêu chuẩn, nội dung và quy trình kiểm định.
Ngoài ra, chỉ nên có một đơn vị quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng. Nếu có thêm hội đồng quốc gia về kiểm định trong điều kiện vẫn còn Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thì công việc sẽ chồng chéo, thiếu tập trung và hiệu quả. Các đơn vị quản lý nhà nước này không trực tiếp tham gia công tác kiểm định, mà chỉ quản lý giám sát công việc của các tổ chức kiểm định mà thôi.