Chỉ có thể là con đường cách mạng
Tham dự buổi tọa đàm, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng), trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, khẳng định, kẻ thù đã đưa thanh niên Việt Nam vào con đường cách mạng từ sớm. Trung tướng chia sẻ: "Tôi tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, ở đơn vị tôi, 95% quân số là thanh niên. Đơn vị tôi, được trao danh hiệu đơn vị anh hùng.
Ngày tập trung đơn vị có quân số 500, nhưng ngày gặp lại để đón nhận danh hiệu chỉ còn 50 người, 9/10 người lính đã hy sinh. Điều đó có thể khẳng định chính tuổi trẻ đã làm nên chiến công, góp sức mang lại hòa bình cho đất nước”.
Khi được hỏi tại sao tham gia hoạt động cách mạng từ tuổi 13, trung tướng Tuấn nói kẻ thù buộc ông phải cầm súng. Gia đình ông là gia đình cách mạng, có bố và chú bị bắt giam. “Ngày ba tôi hy sinh, tôi cảm nhận được không có con đường nào khác là con đường cách mạng. Tôi rời ghế nhà trường, đi theo cách mạng”. Ông khẳng định, tuổi trẻ Việt Nam đã làm nên những điều kỳ diệu, chính dân tộc Việt Nam đã tạo ra một thế hệ trẻ dũng cảm, mạnh mẽ.
Đại úy Lê Trung Thành, người vừa trở về từ Hoàng Sa, chỉ huy tàu CSB 4033 góp phần ngăn chặn Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có mặt tại buổi tọa đàm. Đại úy Trung Thành bày tỏ biết ơn sâu sắc thế hệ đi trước đã tiếp lửa truyền thống cho thế hệ hôm nay.
“Khi nhận nhiệm vụ, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là sẵn sàng có mặt ở thực địa và xác định phải hoàn thành nhiệm vụ, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình. Chúng tôi vẫn giữ tinh thần lạc quan suốt 75 ngày đêm trên biển. Kết quả thắng lợi có được là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tập thể, sức mạnh của toàn dân tộc”, đại úy Thành nói.
Nếu như thời chiến, con đường cách mạng của thanh niên là đấu tranh giành độc lập, tự do thì ở thời bình, con đường cách mạng của thanh niên là xây dựng đất nước. Có mặt tại tọa đàm, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nói rằng, khí thế của thanh niên ở thời kỳ mới rất mãnh liệt, thanh niên tham gia xây dựng kênh rạch, lên biên giới đào chiến hào… Dấu son của phong trào thanh niên thời kỳ mới xây dựng đất nước là thủy điện Hòa Bình (Sông Đà)- công trường thanh niên cộng sản.
“Khi làm Bí thư huyện ủy Tiên Yên (Quảng Ninh), tôi có học bài "Tình ca tuổi trẻ” trên báo Tiền Phong và hướng dẫn thanh niên hát. Tôi thấy hào khí thanh niên luôn sôi nổi, mãnh liệt, không chịu khuất phục, luôn có khát khao vươn lên”, ông Vũ Mão nói.
Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, lý tưởng thanh niên thời kỳ mới còn là lý tưởng làm giàu chính đáng. Thanh niên là lực lượng tích cực tham gia đổi mới, luôn luôn tiên phong, có khát khao, nguyện vọng cống hiến cho đất nước.
Cách mạng thời kỳ mới
Đại diện thanh niên thế hệ mới, nghệ sĩ piano Trang Trịnh chia sẻ về những kỷ niệm giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam yêu hòa bình, yêu cái đẹp, không còn chiến tranh.
Trang Trịnh nói: “Chúng ta đang sống ở thời bình, nhưng chúng ta vẫn gặp nhiều cuộc cách mạng, đó là cách mạng chống đói nghèo, chống bệnh tật… Tôi nghĩ vai trò của thanh niên trong những cuộc cách mạng ấy rất quan trọng, góp sức và có trách nhiệm lan tỏa tinh thần sẻ chia, vượt qua khó khăn. Tinh thần của Lý Tự Trọng vẫn sáng mãi” .
Năm 11 tuổi, lần đầu tiên tham gia liên hoan âm nhạc thế giới, Trang Trịnh có cảm xúc đặc biệt, tự hào với hai tiếng Việt Nam và nuôi ước mơ đem âm nhạc và hình ảnh Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới. Trang Trịnh đã tốt nghiệp xuất sắc, lấy bằng thạc sỹ tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, đang thực hiện dự án âm nhạc dành cho trẻ em thiệt thòi mang tên “Dàn hợp xướng kỳ diệu”.
Nhiều người dự tọa đàm có ấn tượng đặc biệt về tinh thần vượt qua chính mình của cô gái vàng của Wushu Việt Nam Dương Thúy Vi. “Đây là năm thứ 14 tôi gắn bó với Wushu, thường xuyên phải xa nhà tập luyện, sống một cuộc sống khác bạn bè cùng trang lứa. Nhiều khi đóng cửa phòng lại một mình và khóc, nhưng tôi nghĩ đó là con đường mình đã chọn phải quyết tâm theo. Tôi gạt nước mắt tiếp tục tập luyện. Trước khi thi đấu, tôi chỉ nghĩ mình sẽ làm hết sức mình, vượt qua chính mình. Kết quả chạm đến đỉnh vinh quang, giành huy chương vàng, tôi đi ra ngoài, không dám nói gì, chỉ sợ nước mắt rơi”, Thúy Vi tâm sự.
Cô chia sẻ đã có cuộc cách mạng với chính mình. Trong một lần thi đấu, cô bị chấn thương nhưng không bỏ cuộc, cố gắng chịu đau để hoàn thành bài thi, kết thúc bài thi cũng là lúc cô ngã gục trên sàn đấu.
“Tôi không bỏ cuộc vì tôi nghĩ tấm huy chương không quan trọng, nhưng tôi đang đại diện cho Việt Nam thi đấu tại đấu trường quốc tế nên dù có thế nào cũng phải cố gắng hết mình. Và tôi đã vượt qua chính mình", cô nói.
Có mặt tại tọa đàm, chị Vũ Thu Phương, vợ của thiếu tá Nguyễn Đào Hồng Tâm (hy sinh trong vụ rơi trực thăng Mi-171 mới đây ở Hà Nội), nói trong nước mắt: “Tôi đã khóc khi nghe chuyện kể của những người lính thời chiến và thời bình. Gia đình chồng tôi có bác ruột là liệt sỹ, bố tôi cũng là liệt sỹ. Khi chồng tôi đam mê với công việc của một người lính phi công, tôi rất tự hào, mặc dù biết là nguy hiểm.
Hôm nay (12/10) tròn 100 ngày mất của anh ấy”. Đến buổi tọa đàm, chị mang theo một số kỷ vật của liệt sỹ Hồng Tâm, gồm những lá thư tình, các vật dụng khi anh làm nhiệm vụ. “Khi nghe về vụ tai nạn, tôi không tin có chồng mình trên máy bay, chồng tôi vẫn dặn dù có chuyện gì xảy ra anh đã có dù. Vậy mà… lời hẹn kỷ niệm 15 năm ngày cưới của vợ chồng tôi mãi không thực hiện được”, chị Phương nghẹn ngào.
Tham dự chương trình có Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phi Long, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão, nhà sử học Lê Văn Lan, đại úy Lê Trung Thành (Phó Bí thư chi bộ tàu CSB 4033/Hải đội 201/Vùng CSB2- Bộ Tư lệnh CSB), nghệ sỹ piano Trang Trịnh, VĐV Wushu Dương Thúy Vi.