Tối 16/9, Sở VH-TT TPHCM phối hợp UBND Huyện
Cần Giờ tổ chức lễ khai mạc Lễ hội Nghinh Ông và lễ mừng công ngư dân Cần Giờ với chủ đề "Âm vang miền duyên hải" tại thị trấn Cần Thạnh. Lễ hội diễn ra từ ngày 16-18/9. Năm nay, nhằm chia sẻ với đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng do bão số 3 gây ra, một số hoạt động trình diễn, vui chơi tại lễ hội cắt giảm, chỉ giữ lại các hoạt động truyền thống.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó chủ tịch
UBND huyện Cần Giờ, trưởng ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2024.
"Vừa qua, Cơn bão số 3 đã đổ bộ Việt Nam là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Mặc dù đã nỗ lực phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai nhưng đến nay các tỉnh miền Bắc nước ta vẫn còn trong ảnh hưởng của hoàn lưu bão: mưa lớn, sạt lở, lũ quét… làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Với tinh thần Lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái, chúng ta hãy dành một chút thời gian để hướng về những đồng bào đang gồng mình chống chọi với lũ lụt, sạt lở. Mọi sự đóng góp của quý vị, dù lớn hay nhỏ, đều vô cùng quý giá và ý nghĩa. Mỗi đồng quyên góp sẽ là ngọn lửa nhỏ, cùng nhau sưởi ấm và mang đến hy vọng cho những vùng đất đang đau thương. Hãy để Lễ hội của chúng ta trở thành điểm sáng, lời kêu gọi chung tay vì cộng đồng", ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, trưởng ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ 2024, kêu gọi.
Khán giả Cần Giờ đã mãn nhãn với phần điều khiển ánh sáng trong chương trình. Trong quá trình hình thành Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, chương trình khắc họa được dấu ấn đậm nét hành trình Nam tiến của cư dân miền Trung, những người đã mang theo bao nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng độc đáo của mình để khai phá vùng đất Cần Giờ. Khi đặt chân đến nơi đây, họ đã đối mặt với rừng rậm hoang sơ, đầm lầy và thú dữ, nhưng với sự kiên trì và dũng cảm, họ đã cải hóa thiên nhiên, biến vùng đất hoang sơ này thành nơi thịnh vượng với thị tứ và chợ búa sầm uất.
Đến phần kêu gọi quyên góp, BTC bất ngờ với tình huống nhiều em nhỏ Cần Giờ do không đợi được đã chen vào hàng dài diễn viên và khán giả để được bỏ bao thư vào thùng.
"Mấy hôm nay con lấy điện thoại của tôi xem thông tin về các bạn ở Làng Nủ. Hôm nay, con xin tôi 100.000 đồng để mong giúp các bạn Làng Nủ sớm trở lại trường. Bản thân tôi cũng mong mọi nhà ngoài đấy sớm phục hồi", phụ huynh học sinh chia sẻ.
MC Phương Thảo cảm xúc trước trước
tình huống bất ngờ và luôn nhờ nhân viên kỹ thuật hỗ trợ các em đóng góp bằng cách bế lên. Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, thực hiện chủ trương của UBND
TPHCM về việc giảm tần suất, quy mô các hoạt động lễ hội nhằm chia sẻ khó khăn với bà con đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024 đã giảm quy mô. Lễ hội giữ các hoạt động truyền thống như lễ thượng đại kỳ, lễ cúng tiền hiền hậu hiền bạn cũ lái xưa, lễ đưa Nghinh và rước Nghinh trên biển, lễ hội mừng công ngư dân Cần Giờ. Các hoạt động mang tính chất trình diễn, vui chơi trong lễ hội được cắt giảm.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TPHCM dẫn đầu đoàn cán bộ quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lũ miền Bắc.
Nghệ sĩ hát bội Thanh Bình (đội mão vua), thuộc nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM chia sẻ: "Tôi và anh em trích một phần bồi dưỡng để chia sẻ với đồng bào miền Bắc. Với tinh thần cả nước vì miền Bắc, tôi tin rằng mọi thứ sẽ nhanh phục hồi. Đồng bào miền Bắc không cô đơn vì cả nước đang ở phía sau".
Tiếp sau đó, phân đoạn cá Ông cứu độ kể lại truyền tích lưu truyền từ đời này sang đời khác, dần dần kết tinh thành truyền thống thờ cúng cá Ông tạo nên nét độc đáo cho vùng đất Cần Giờ. Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ từ đó ra đời, trở thành biểu tượng văn hóa không chỉ thể hiện lòng biết ơn của con người đối với thiên nhiên, mà còn phản ánh sự kiên trì, lòng dũng cảm của những thế hệ đầu tiên đã biến nơi đây thành nơi đáng sống. Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội tổng kết một mùa đánh bắt trên biển của ngư dân và chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới với những ước vọng một mùa bội thu. Đây là lễ hội thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn, tạ ơn Thần Nam Hải (cá Ông) và Thần Biển của ngư dân huyện Cần Giờ.
Tiết mục múa mâm thu hút khán giả và nhận nhiều tràng pháo tay nhất.
Lễ hội nghinh Ông Cần Giờ được bắt đầu từ năm Quý Sửu 1913 cho đến nay đã 111 năm. Năm nay, kỷ niệm 11 năm ngày Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị và ngày càng được nhân dân hưởng ứng.
Phạm Nguyễn