Ông đánh giá thế nào về sự kiện võ cổ truyền Việt Nam từ năm châu hội tụ về đất võ Bình Định?
Bình Định giàu truyền thống thượng võ, là cái nôi của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, quê hương của Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có truyền thống võ thuật và những giá trị đặc sắc của võ cổ truyền Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, định kỳ 2 năm một lần, Bình Định tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam.
Năm nay, lần thứ tư Bình Định tổ chức sự kiện này. Liên hoan là dịp để các môn phái võ cổ truyền Việt Nam trong nước và quốc tế tụ hội về nôi đất võ thi đấu, biểu diễn, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần gìn giữ, phát huy, tôn vinh võ cổ truyền Việt Nam trong nước và trên thế giới.
Đây còn là cuộc về nguồn của các võ sư, võ sinh và các nhà nghiên cứu võ cổ truyền Việt Nam từ khắp nơi, và là cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bình Định đến đông đảo du khách gần xa.
Tầm ảnh hưởng, bản sắc võ cổ truyền Việt Nam, trong đó có Bình Định hiện nay như thế nào?
Trên nền giao lưu văn hóa, tùy từng địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ, phương pháp tập luyện, ứng dụng võ thuật khác nhau đã hình thành nên các dòng võ cổ truyền Việt Nam, tạo nên sự phong phú, đặc sắc của võ Việt ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Vì vậy, võ cổ truyền Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới. Nếu như Liên hoan lần thứ I (năm 2006) chỉ có 30 đoàn quốc tế (21 quốc gia, vùng lãnh thổ) cùng 29 đoàn trong nước thì sang lần thứ 2 (2008) có 74 đoàn quốc tế (26 quốc gia, vùng lãnh thổ) và 35 đoàn trong nước.
Liên hoan lần thứ 3 (2010) có tới 31 quốc gia và vùng lãnh thổ (70 đoàn) và 35 đoàn trong nước. Liên hoan lần này quy tụ 69 đoàn võ thuật đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng gần 40 đoàn trong nước, với trên 1.000 võ sĩ, võ sinh tham dự.
Sự khác biệt của liên hoan lần này?
Mỗi kỳ liên hoan đều khác biệt nhau cả về quy mô tổ chức và nội dung chủ đề. Số lượng các đoàn tham gia đông hơn, sự kiện được tổ chức quy mô lớn hơn.
Liên hoan lần đầu là một chương trình độc lập, Liên hoan lần thứ 2 là một chương trình trong Festival Tây Sơn - Bình Định, Liên hoan lần thứ 3 là một hoạt động trong Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đặc biệt Liên hoan lần thứ 4 này được tổ chức quy mô hoành tráng, gồm 5 chương trình chính và 8 chương trình hưởng ứng, với các điểm nhấn nhằm tôn vinh truyền thống võ đạo của dân tộc Việt Nam, tôn vinh phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, hành trình theo bước chân Hoàng đế Quang Trung và những chiến công vang dội dưới sự chỉ huy của Người ở khắp 3 miền đất nước.
Nếu các kỳ liên hoan trước chỉ có biểu diễn võ thuật thì lần này có thêm nội dung thi đấu đối kháng nhằm tạo sự phong phú, hấp dẫn.
Thêm một điểm nhấn lớn của liên hoan lần này là Lễ hội võ thuật đường phố, nhằm giới thiệu linh khí của một vùng đất, thông qua việc biểu diễn các tiết mục đặc sắc của các đoàn võ thuật trên đường phố, đưa võ thuật đến gần gũi hơn với công chúng.
Bên cạnh đó là các chương trình Hội bài chòi cổ dân gian, Đêm thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu, nhằm giới thiệu cho du khách, bạn bè trong nước và quốc tế về vùng đất và con người Bình Định mạnh mẽ can trường, nhưng cũng hết sức lãng mạn…
Cảm ơn ông.
Các đoàn võ thuật cổ truyền quốc tế tham dự Liên hoan lần này có thể kể đến: Tổng hội Phát triển Võ thuật Thế giới, Liên đoàn Quốc tế Việt võ đạo, Tổng đoàn Thế giới Tinh võ đạo Việt Nam, Tổng đoàn Thế giới Quán khí đạo, Liên đoàn Việt võ đạo Quốc tế Sa Long Cương, Liên đoàn ASI Khiêm hồ, Thủy pháp Việt Nam…
Bên cạnh đó, lần này xuất hiện thêm nhiều cái tên mới như: Lam Sơn võ đạo, Vovinam Hổ xanh Pháp, Liên đoàn Võ thuật tại Pháp, Hiệp hội Võ thuật tại Pháp, Liên đoàn Karate kết hợp các môn võ khác tại Pháp, Thần long thiên đại hổ, Võ khí đạo Việt Nam, Hắc hổ thiết quyền đạo, Hỏa long võ đạo, Võ kinh Vạn an phái… Nhiều võ sư và võ sinh từ các nước Philippines, Áo, Na Uy, Congo, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản… lần đầu đến Bình Định, cho biết rất háo hức được tri diện, tri kiến nét thâm sâu biến ảo của tinh hoa võ Việt.
Việt Hương