Trong cuộc cách mạng này, bên cạnh những lo lắng về dư thừa nhân sự thì cũng có người cho rằng, sự thay đổi này sẽ tạo động lực, khuyến khích cán bộ, công chức thoát khỏi tâm lý e ngại, mạnh dạn chuyển từ khu vực công sang khu vực tư.
Trao đổi với Tiền Phong, một nguyên lãnh đạo Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy là yêu cầu cấp thiết để tạo ra đột phá phát triển đất nước. Qua sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy sẽ giúp giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm.
Tuy nhiên, để cán bộ, công chức khi nghỉ việc ở khu vực công có thể khởi nghiệp, tham gia vào các hoạt động kinh tế, vị lãnh đạo trên cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ nổi trội.
Theo ông, ngoài các chính sách hỗ trợ chung, Chính phủ nên có các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để những người thuộc diện tinh giản biên chế vay.
“Nếu chỉ hỗ trợ mấy tháng tiền lương bình quân và chế độ hưu trí thì số tiền đó cũng không đủ để họ bảo đảm trang trải cuộc sống, không đủ để khởi nghiệp. Vậy nên, hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi chính là trang bị chiếc cần câu để họ có thể tham gia vào thị trường kinh tế đầy sôi động”, vị lãnh đạo này nói.
Từng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nội vụ, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, khi thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, chắc chắn sẽ dư thừa nhân sự, tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, theo ông đây cũng là thời điểm để nhiều cán bộ, công chức nhìn lại mình xem có còn phù hợp với khu vực công hay không? “Nếu thấy không phù hợp với khu vực công nữa thì cũng nên mạnh dạn bước ra ngoài để thay đổi bản thân”, ông Phúc nói.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý, cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cần đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ mà Nhà nước không cần nắm giữ, từ đó thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
“Khi khu vực tư phát triển thì sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, mở ra những cơ hội mới cho người lao động trong mọi khu vực”, ông Phúc nói.