Cát trọc đầu là cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến đã qua. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Trần trụi, nóng bỏng, khủng khiếp. Không chỉ là thực tế của bom rơi đạn nổ chết chóc đau thương. Mà là những số phận người, sự tráo trở của anh hùng và hèn nhát, nhân văn và độc ác, sự khuất lấp và đánh tráo những giá trị thực và giả. Đọc theo từng con chữ của tác giả là nóng như cát nóng, bỏng như cát bỏng, rát như cát rát, cứ từng trang từng trang quất liên hồi vào mặt người đọc thực tế của chiến trường, thực tại của cuộc chiến. Tác giả tung dồn dập các sự kiện, chi tiết, từ đó phơi bày những con người trong cuộc sống chết với bom đạn”.
Đây là tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Quang Vinh, anh còn là tác giả nhiều kịch bản phim nhựa, truyền hình, sân khấu.
Cùng Đặng Thân Dị-nghị-luận Đồng-chân-dung: Bầu trời trong giọt nước. Đây là tọa đàm nhân ra mắt tác phẩm mới của nhà văn Đặng Thân, cùng sự tham gia các các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học: La Khắc Hòa (Lã Nguyên), Trần Ngọc Vương, Nguyễn Đăng Điệp. Dẫn chương trình Phạm Xuân Nguyên.
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đánh giá: “Cuốn sách này không kén đọc. Ai cũng tìm thấy trong sách một điều gì đấy của mình và cho mình. Hay ít nhất, nó cũng hấp dẫn người ta ở một văn phong độc đáo, sôi nổi và ít nhiều khiêu khích”. Tọa đàm diễn ra 18h chiều 9-1 tại Trung tâm Văn hóa Pháp.
Trong 3 ngày (từ 4 đến 6-1), tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, hoạ sỹ trẻ Trung Nghĩa đã tổ chức triển lãm tranh mang tên “Giấc mơ cao nguyên- Giao thoa giữa âm và sắc”. Hơn 20 bức tranh tại triển lãm đều được Trung Nghĩa thực hiện bằng những chất liệu đơn giản như giấy xốp, đèn dầu, đất đỏ và sử dụng kỹ thuật khói, kích nổ để vẽ.
Theo Trung Nghĩa, đây là những chất liệu được gom nhặt từ những cánh rừng đã bị con người tàn phá, được anh sử dụng để tạo nên các tác phẩm hướng đến tình yêu môi trường, tình yêu vạn vật.