> Lấy phiếu tín nhiệm - Trước mắt tập trung các chức danh thuộc Chính phủ
Ông Lưu nói: Việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là xử lý kỷ luật ngay ai đó mà đây là sự thăm dò dư luận của đại biểu QH - đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri - xem người được lấy phiếu có thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao hay không; phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống như thế nào.
Đây cũng là dịp để cơ quan quản lý cán bộ biết người được lấy phiếu có năng lực, phẩm chất ra sao để bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ cho hợp lý.
Ngoài ra, kết quả lấy phiếu cũng là cảnh báo đối với người được phiếu thấp, tự nhìn lại, soi lại mình để có thể sửa chữa những khuyết điểm.
Nếu sau khi lấy phiếu tín nhiệm lần một, QH, HĐND thấy 2/3 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì không chờ lấy phiếu lần hai nữa mà QH, HĐND chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm luôn. Nếu người nào được tín nhiệm thấp, nhận thấy chức trách như vậy quá lớn với mình, năng lực, trình độ không đảm đương được thì có thể xin từ chức.
Thực tế sẽ có trường hợp được tín nhiệm thấp nhưng không phải hai năm liên tiếp mà đan xen một năm được trên 50%, thì dự thảo nghị quyết chưa có hướng xử lý, thưa ông?
Cũng có thể có trường hợp lần thứ nhất được tín nhiệm 49%, lần hai được 51%, lần ba 49%. Nếu tính máy móc, cơ học như vậy thì khó. Nhưng tôi tin trí tuệ của đại biểu QH, từ thông tin Mặt trận tổ quốc, báo chí, nhân dân phản ánh thì việc lấy phiếu sẽ chính xác.
Về lý thuyết có thể có trường hợp này, nhưng trong thực tế sẽ rất khó xảy ra như vậy khi đại biểu QH thể hiện hết trách nhiệm của mình.
Theo ông thông tin của người được lấy phiếu cần cung cấp như thế nào để việc lấy phiếu được công tâm, khách quan?
Yêu cầu, thủ tục giữa lấy phiếu và bỏ phiếu là khác nhau. Quy trình, thủ tục lấy phiếu nhẹ nhàng hơn mặc dù vẫn phải đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, công tâm.
Thông tin hiện nay thì có báo cáo của người được lấy phiếu. Đại biểu QH nếu còn băn khoăn, do dự điều gì đó thì có thể hỏi lại để người được lấy phiếu có trách nhiệm giải trình, báo cáo lại.
Còn việc bỏ phiếu tín nhiệm thì chặt chẽ hơn, thủ tục như là để xử lý cán bộ. Khi đó, quy trình, thông tin phải rất chặt chẽ và có trao đổi, tranh luận, đối chất. Bởi người bị bỏ phiếu có quyền trao đổi lại những vấn đề cần báo cáo trước kỳ họp.
Lấy phiếu tín nhiệm: Cả trong QH và trong Đảng
Ví dụ một đồng chí là ủy viên T.Ư Đảng, bộ trưởng nếu bị bỏ phiếu bất tín nhiệm vị trí bộ trưởng thì vị trí là ủy viên T.Ư Đảng sẽ xem xét ra sao, thưa ông?
Không phải chỉ có Nghị quyết của QH về vấn đề này mà Ban Tổ chức T.Ư cũng xây dựng Quy chế lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. Như tôi vừa là Ủy viên T.Ư Đảng vừa là Phó Chủ tịch QH thì trong Đảng cũng lấy phiếu tín nhiệm.
Chuyện này cần được xử lý nhịp nhàng giữa cơ quan Đảng và QH. Nên lấy tín nhiệm ở đâu trước hay lấy ở cả hai nơi đối với những cán bộ có nhiều vai thì cũng phải nghiên cứu để xử lý. Theo tôi thì nên lấy tín nhiệm ở cơ quan dân cử (QH, HĐND) trước, nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể.
Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là thử thách cho chính QH, làm sao kết quả lấy phiếu phù hợp với ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, ông nghĩ sao?
Đúng vậy! Việc lấy phiếu để tăng cường trách nhiệm giám sát của QH đối với người mình bầu hoặc phê chuẩn. Đây vừa là điều kiện nhưng cũng là thách thức.
Nếu không đủ bản lĩnh, làm việc không công tâm, khách quan, đi đến kết quả không như cử tri mong muốn thì rõ ràng không hoàn thành mục tiêu.
Đại biểu QH là đại diện cho cử tri và nhân dân thì phải thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Còn tất nhiên đại biểu cũng có thể bị chi phối bởi vị trí công tác của mình. Nhưng QH là một tập thể gần 500 đại biểu chứ không phải vài chục người.
Hiện nay cũng có những lo ngại, có người sẽ tròn vo, giữ mình hoặc hứa hẹn, vận động để được phiếu cao, quan điểm của ông ra sao?
Những băn khoăn này cũng có phần đúng. Nhưng tôi tin cử tri và đại biểu QH sẽ sáng suốt. Không phải anh ngồi yên, giữ mình là có thể được tín nhiệm cao.
Trong bối cảnh hiện nay, có khi còn ngược lại. Nếu vị trí nào đó không làm gì thì sẽ bị đánh giá không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.
Còn việc đi vận động, thuyết phục thì có thể làm với 1- 2 người còn với cả một tập thể với nhiều vị trí khác nhau thì không bao giờ thực hiện được. Tôi tin rằng, QH sẽ thực hiện tốt nghị quyết này.
Cám ơn ông!
Hà Nhân
Thực hiện