Ngày 27/12, thông tin từ BS Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM cho biết tại đây đã tiếp nhận một trường hợp trong vụ nổ lớn xảy ra tại thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Bệnh nhi nhập viện là N.M.T (12 tuổi) được Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chuyển đến trong tình trạng đa chấn thương.
Cụ thể, bệnh nhi bị các tổn thương rách da nham nhở, nát cơ ở nhiều vị trí trên cơ thể, tập trung chủ yếu tại hàm mặt, vai, ngực, đùi, cẳng chân và theo dõi tổn thương mắt.
Các bác sĩ đã cấp cứu, xử trí vết thương, chống sốc, phẫu thuật cắt lọc lấy dị vật, khâu vết thương, cầm máu và điều trị bỏng. Sau phẫu thuật, các chỉ số sinh hiệu đã dần ổn định, bệnh nhi tạm vượt qua được giai đoạn sốc chấn thương, đang được bác sĩ tiếp tục điều trị.
Theo thông tin từ gia đình bệnh nhi, ngày 25/12 cậu bé M.T và 3 người bạn gần nhà tự ý đặt mua nguyên liệu trên mạng rồi cùng chế tạo pháo. Bất ngờ, quả pháo phát nổ khiến một em tử vong tại chỗ, một em khác chuyển đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Ngoài M.T, hiện một trường hợp khác đang điều trị tại bệnh viện địa phương.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cho biết, ngoài trường hợp trên, thời gian qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều nạn nhân do pháo nổ. Điển hình là trường hợp bé trai 15 tuổi ngụ tại Bình Thuận, khi tự chế pháo đã bị thương và mất đi 3 ngón bàn. Trường hợp khác là bé trai 14 tuổi ở Bình Phước khi bỏ lưu huỳnh dùng để chế pháo vào máy xay sinh tố khiến máy bị cháy, phát hỏa gây bỏng nặng.
BS Nguyễn Hiền khuyến cáo, các gia đình cần đặc biệt quan tâm để ngăn chặn kịp thời những hành động nguy hiểm ở trẻ do thiếu hiểu biết về pháo nổ. Nhà trường cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền giúp trẻ nhận thức được hành vi tự chế pháo là vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.