Tin hot giáo dục: Xôn xao Giáo sư đạo văn học trò

TPO - Giáo sư bị nghi đạo văn của học trò; Hà Nội công bố tỉ lê “chọi” vào lớp 10; Nhiều học sinh rời bỏ 'Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ' hay Báo động bạo lực học đường... kiểu mới là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Xôn xao đạo văn vẫn được phong giáo sư

Chuyện ông Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam vào năm 2007 bị tố đạo văn của nhiều học trò khiến dư luận xôn xao.

Những ngày gần đây, giới khoa học nhiều người lên tiếng bất bình với trường hợp của ông Nguyễn Đức Tồn- nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam vào năm 2007 bị phát hiện đạo văn nhiều luận án của học trò và cộng sự nhưng vẫn được phong học hàm giáo sư.

Theo đó, cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” – NXB ĐHQG Hà Nội 2002 được cho là đã lấy gần như toàn bộ luận án phó tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh có tên “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” được bảo vệ năm 1996 tại Viện Ngôn ngữ học. Bà Nguyễn Thúy Khanh cũng là nghiên cứu sinh do GS. Tồn hướng dẫn.(xem chi tiết tại đây)

Hà Nội công bố tỉ lê “chọi” vào lớp 10

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển lớp 10 vào từng trường THPT công lập trên địa bàn thành phố năm học 2018 - 2019.

Như vậy, năm nay có 94.694 học sinh dự thi, chỉ tiêu vào công lập: 63.050.

Căn cứ số lượng học sinh đăng ký dự tuyển và chỉ tiêu của từng trường THPT, học sinh có thể thay đổi nguyện vọng dự tuyển đã đăng ký.(xem chi tiết tại đây)

 
Nhiều học sinh rời bỏ 'Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ'

Được các ngành chức năng, chức sắc tôn giáo Ninh Bình cảnh báo, nhiều học sinh đã rời bỏ “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”.

Thời gian qua, nhiều học sinh tại nhiều trường học như THPT Kim Sơn A, Kim Sơn B (huyện Kim Sơn); Hoa Lư A (huyện Hoa Lư) tham gia “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”. Được các ngành chức năng, chức sắc tôn giáo Ninh Bình cảnh báo, đến nay tất cả các học sinh đã rời bỏ giáo phái này.(xem chi tiết tại đây)

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Thanh Toàn – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình cho biết: Thời điểm trước đây, đã có một số học sinh tiếp xúc, bị dụ dỗ và tham gia vào “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”. Phần lớn các em tham gia vào giáo phái này đều ở các trường như: THPT Kim Sơn A, Kim Sơn B, Hoa Lư A.

Báo động bạo lực học đường... kiểu mới

Không “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, bạo lực học đường giờ đây xuất hiện dưới hình thức xúc phạm, lăng mạ trên mạng xã hội gây tổn thương cho học sinh - những em đang ở độ tuổi khá nhạy cảm.

Em K.D. (học sinh lớp 11 một trường THPT trên địa bàn quận Liên Chiểu) được bạn chụp hình rồi đưa lên mạng xã hội facebook để bông đùa. Ban đầu chỉ là những lời trêu chọc, bình phẩm cho vui, sau dần biến thành những lời nói xấu, thóa mạ nhau trên facebook.

Chán nản, xấu hổ, D. xin nghỉ học và tránh mặt bạn bè. Từ một cô bé xinh xắn, vui đùa hiếu động, em trở thành người lầm lì ít nói, học hành sa sút. Thầy cô và gia đình đã đưa em đến bác sĩ tâm lý để giúp em vượt qua khó khăn.(xem chi tiết tại đây)

Ứa nước mắt vì trường không đóng bảo hiểm xã hội

Tham gia giảng dạy từ nhiều năm, nhưng khi ốm đau, thai sản hoặc chuyển trường, nhiều giáo viên Trường PT Huế Star (đóng tại Phú Thượng, Phú Vang, TT-Huế) mới tá hỏa phát hiện không được chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Đấu tranh đòi quyền lợi gần một năm lại đây, nhưng chủ trường tư thục này vẫn chây ỳ, bất chấp các quy định của pháp luật.

Tiếp xúc với phóng viên vào một ngày mà năm học 2017-2018 sắp khép lại, nhiều giáo viên Trường PT Huế Star không kìm được nước mắt. Đây là năm giảng dạy cuối cùng của các giáo viên trước khi trường giải thể vì “nợ như chúa chổm”. Cay đắng hơn, trong khi chuẩn bị rời đi vì trường đóng cửa, nhiều giáo viên luôn sống trong lo lắng, bức xúc vì bị chủ sử dụng lao động “xóa trắng” nhiều năm đóng bảo hiểm, gây rất nhiều thiệt thòi về quyền lợi trước mắt cũng như khi về già…(xem chi tiết tại đây).