Tín bất ngưỡng

TP - Vanh vách đọc tài khoản cá nhân trước mặt thần, Phật để mong tiền (từ đâu ?) chảy vào như nước, dúi tiền vào tay tượng thần, tượng Phật, nửa đêm giẫm đạp lên nhau bất kể sống chết giành giật lá ấn (in hàng loạt) để cầu quan lộ hanh thông.

Đua nhau dâng lên Quốc tổ toàn “hàng khủng”: bánh chưng bánh dày nặng vài tấn, chai rượu vật vã lớn hơn cả cổng đền, tách cà phê to như… rạp xiếc để ghi kỷ lục, gắn tên tuổi và mong Vua tổ để mắt tới nhãn mác thương hiệu đặng phù hộ ăn nên làm ra!

Hết Tết đã bao nhiêu ngày rồi mà khắp đền trên phủ dưới, chùa trong điện ngoài cứ nườm nượp người và xe, trong đó phần không nhỏ là công chức, quan chức hương khói nghi ngút xì xụp cúng vái thần linh. Lễ vật thì không thiếu thứ gì, từ nhà lầu biệt thự, xế xịn, dế xịn, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa, thậm chí kèm theo cả vài em… osin, tất nhiên chỉ là hàng mã, nhưng những thứ bằng giấy ấy giá có khi lên tới cả chục triệu đồng …

“Ngưỡng” trong tín ngưỡng có thể được hiểu là sự trông lên thần linh, tiên tổ với niềm tôn kính thực sự. “Tín” trong tín ngưỡng vẫn không thể xa rời ý nghĩa của sự thành thực. Nay những hành vi cơ bản vẫn được thừa nhận thuộc về “tín ngưỡng” ấy, đã thất tín, và bất ngưỡng. Đó chỉ là sự xin xỏ, mua bán, đổi chác thô thiển, dựa trên “niềm tin” phàm tục, mê muội, còn tệ hơn cả sự mê tín thông thường.

Thời nô lệ thực dân phong kiến, chí sĩ Phan Bội Châu đã chỉ trích nặng nề hành vi lợi dụng tâm lý sùng tín của người dân để gieo rắc mê muội quên đi phận nghèo, phận nhục của người dân mất nước, bị bóc lột.

Trong di thảo viết bằng chữ Hán mà Cụ để lại (được GS Chương Thâu dịch ra tiếng Việt cách đây tròn 50 năm), Cụ Phan đề cao tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người Việt: “Non sông chung đúc, sinh ra thánh triết, vì thế giới mà lập công, vì sinh dân mà thỉnh mệnh. Người sau nhớ đến công đức, dựng bia lập đài kỷ niệm, làm đền thờ cúng, thì rất là đáng”.

Tuy nhiên Cụ cũng chỉ trích không khoan nhượng: “Nhưng chính ít tà nhiều, thật ít giả nhiều. Thậm chí có khi đến cả những khối đá quái gở, gốc cây cổ thụ, rừng hoang mả vắng, cũng liệt vào hàng thần cứu thế độ dân, tôn sùng lạy lục, ngày cầu ở thần, bước bước trông vào thần.

Hôm nay thần truyền thế này, ngày mai thần phán thế kia, chết trước mắt mà còn trông thần cứu mình, chờ thần giúp mình, quanh năm suốt tháng chôn đầu vào đấy, đắm lòng vào đấy, thì còn mong gì nảy nở ra tư tưởng được … Lòng mình là thần. Suy tấm lòng ấy ra để làm tấm lòng. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, cứu nhân dân, giết kẻ thù, các ngươi mà biết giữ tấm lòng ấy thì các ngươi đã là thần rồi. Cần gì phải cầu thần ở ngoài đến…”.

Thay vì cúng tiến thần linh những thứ vô bổ, phản cảm, ai đó chịu khó bỏ công đức cho khắc vào đá những lời dạy của Cụ đồ Nghệ dựng lên những nơi đang nườm nượp lễ hội kia, có hơn không!

Theo Báo giấy