'Tim con quá bé, không chứa nổi một nhân cách quá lớn như bác'
> Nghĩa tình quân dân trên quê hương Đại tướng
> Tấm lòng diễn viên Xuân Bắc với Đại tướng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đệm đàn cho nhạc sĩ Trần Tiến hát bài "Tôi cô đơn như một ngọn cờ". Ảnh: Văn Việt
Tiền Phong xin giới thiệu bài viết xúc động của nhạc sỹ Trần Tiến viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của lòng dân:
"Thưa bác Giáp,
Sáng nay con đi tập thể dục. Có hai thằng cha ghét nhau, chỉ muốn giết nhau, đã ngồi hút thuốc cạnh nhau bên bờ bãi Trước. Những ngón tay cứ khum khum che lửa, ngón tay của dân một đời sóng gió. Chắc họ tha thứ cho nhau trước bác và trước biển.
Thưa bác,
Cả ngày con ngồi xem người Việt tiễn bác trên tivi. Mặc dù 20 năm nay con không xem tivi, kể cả bọn Hollywood làm phim, con mê lắm, chúng nó bỗng trở nên nhạt nhòa.
Cả nước hình như cũng vậy. Suốt ngày ở đây chỉ có tiếng nhạc cầu siêu thiêng liêng và những khúc ca một thời hào hùng. Lần đầu tiên con được sống trong âm nhạc thanh khiết ở Vũng Tàu. Những người khỏe mạnh đều về thành phố tiễn bác. Con bệnh quá không đi được, đành ngồi với mấy cựu chiến binh già. Chẳng ai còn giọt nước mắt nào chảy xuống. Nhưng ở đâu, sâu thẳm trong lòng, chúng con đều có một dòng chảy ngược lên.
“Sống trên đời, nếu có thể, hãy làm một điều tốt nào đó cho người khác. Nhiều hơn cho mình”.
Đêm qua, bác về đỉnh núi nơi ở của đại bàng, lặng ngắm biển quê hương. Trên dãy núi Lớn ở đây, sáng nay mây đen vần vũ. Thương đại bàng nơi này không có vinh hạnh ở bên bác. Có cậu doanh nhân cứ điện thoại cho con bằng được để nhờ viết bài hát cầu siêu bác. Họ đã chung tiền nhau làm một tượng lớn như đức Thánh Trần, như Quan Công của Trung Quốc. Họ bảo còn yêu Bác hơn. Bác là vị thánh của người Việt, linh hơn, lại gần gũi hơn.
- Tôi không viết được đâu, nhờ người khác đi.
- Chúng tôi thấy hình anh ngồi chơi đàn với Đại tướng đăng đầy trên mạng này.
- Nhưng tim tôi quá bé, không chứa nổi một nhân cách quá lớn như bác đâu.
Con chợt nhớ bản giao hưởng Anh hùng của Beethoven gửi tặng Napoléon. Nhưng tác giả đã xé đi lời tặng khi biết tin quân Pháp tràn sang Đức - quê hương. Về binh pháp và nhân cách, Napoléon còn thua xa bác Giáp nhà mình. Con nghĩ vậy, chả biết có đúng không.
Ngày được gặp bác con run quá, hát câu nọ xọ câu kia. Bác ngồi lặng yên nghe. Chẳng nói gì. Rồi cả nhà bừng lên khi cháu nội bác bi bô bài ca Đồi Him Lam gì đó. Mắt bác lúc đó mới thấy vui. Bác chỉ vui khi nhớ lại một thời đẹp đẽ. Cái thời giành lại độc lập sao đẹp thế, bác nhỉ. Viết đến đây con muốn khóc. Cái thời người Việt hi sinh tất cả để có độc lập. Sao đẹp đến thế. Bác ơi!
Cô Đặng Anh Đào dạy văn con, một hôm bảo: “Tiến đến hát cho anh Văn nghe bài Tôi cô đơn như một ngọn cờ đi, anh Văn thích nghe bài đó lắm”. Cô là em phu nhân Đại tướng nên con tin.
Bây giờ bác xa rồi, con vẫn nhớ đôi mắt lặng yên của bác khi nghe bài hát về nỗi cô đơn của người anh hùng. (Bài hát tôi viết khi đọc những dòng chữ cuối cùng trong nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm).
Tôi cô đơn như một ngọn cờ
Ngọn cờ bão dông
Ngọn cờ khát khao
Ngọn cờ xé nát trong lòng đạn thù
Ngọn cờ quấn quanh thi hài người lính
Ngọn cờ vút bay trong niềm khao khát tự do...
Bác có giây phút nào cô đơn không. Chắc là không. Con người bác lớn hơn nỗi cô đơn thường tình của người anh hùng nhiều lắm. Những ngày nằm bệnh bác vẫn thầm thì căn dặn. Tưởng như quanh mình, vẫn còn đó, bóng đồng đội thân yêu, áo trấn thủ sờn rách, chân đi dép cao su run run cơn sốt rét.
Bác ơi, con lại khóc rồi.
Những vị anh quân, những vua hiền như Cụ Hồ, như bác... cứ suốt đời lo cho người khác thế ư.
Con người có nhiều cách sống riêng.
Con thường trọng những người sống từng ngày cho người khác... Nhiều hơn cho mình".