Chợ Đầm là trung tâm thương mại lớn nhất, địa chỉ du lịch, một trong những biểu tượng của thành phố Nha Trang. Tuy nhiên, khoảng 20 năm gần đây, liên tục diễn ra tình trạng mở rộng tự phát các gian hàng chợ tạm xung quanh Chợ Đầm tròn. Hiện, có khoảng 1.430 hộ kinh doanh tại Chợ Đầm, trong số này chỉ có 270 hộ kinh doanh trong Chợ Đầm tròn.
Ngày 28/8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Sông Đà - Nha Trang, để thực hiện dự án Chợ Đầm - Nha Trang (giai đoạn 1).
Ngày 30/12/2014, Cty CP Sông Đà - Nha Trang có thông báo số 482, theo đó, quá ngày 30/1/2015, hộ tiểu thương nào không đăng ký điểm kinh doanh, ký hợp đồng góp vốn và nộp tiền góp vốn sẽ bị coi như không có nhu cầu kinh doanh tại Chợ Đầm mới, nếu sau này có thắc mắc CT không giải quyết.
Ngày 30/1, hạn đăng ký theo văn bản số 482 của Cty CP Sông Đà - Nha Trang đã hết, trong khi kiến nghị ngày 7/1 chưa được trả lời, nên hàng trăm hộ tiểu thương Chợ Đầm đã đóng sạp, đến trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa. Khoảng 9 giờ, họ kéo về trước Chợ Đầm tròn căng băng - rôn, khẩu hiệu… Bà Ngô Thị Bình, chủ sạp mỹ phẩm số 239 trong Chợ Đầm tròn nói, bà và các tiểu thương khác cho rằng việc phá bỏ Chợ Đầm tròn là sự lãng phí, gây thiệt hại cho hàng trăm hộ tiểu thương.
Cty CP Sông Đà - Nha Trang có sai sót
Ông Huỳnh Văn Đệ, Trưởng Ban quản lý Chợ Đầm (BQLCĐ) cho biết, do quá trình sử dụng hơn 40 năm, lại bị đốt cháy vào tháng 4/1975 nên Chợ Đầm tròn đã xuống cấp, độ an toàn và mỹ quan không còn. Năm 2007 và 2011, BQLCĐ đã 2 lần phải chống thấm dột cho Chợ Đầm tròn bằng cách lợp tôn. Hiện, trong Chợ Đầm tròn các mặt hàng được bán tự do, không theo từng nhóm ngành hàng. Việc xây dựng Chợ Đầm mới là tất yếu, đáp ứng nhu cầu buôn bán ổn định lâu dài, an toàn cho các hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, thông báo số 482 của Cty CP Sông Đà - Nha Trang chưa đúng với Quyết định số 4636 của UBND thành phố Nha Trang. Đến nay, Sở Tài chính và UBND tỉnh Khánh Hòa chưa công bố giá lô sạp tại Chợ Đầm mới, nên Cty CP Sông Đà - Nha Trang chưa thể yêu cầu tiểu thương góp vốn.
Các kiến nghị của tiểu thương Chợ Đầm đã được Văn phòng UBND tỉnh ghi nhận, chúng tôi đang chuẩn bị các nội dung trả lời, giải quyết. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ bố trí lịch để Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc với tiểu thương Chợ Đầm.
Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa
“Chúng tôi có một số thủ tục chưa đúng”. Ông Lê Tất Dũng, Phó Tổng GĐ Cty CP Sông Đà - Nha Trang thừa nhận. Vì số hộ tiểu thương tại Chợ Đầm đông, nên Cty CP Sông Đà - Nha Trang phải tổ chức họp từng đợt với tiểu thương. Có 717 hộ phải giải tỏa sạp để xây dựng chợ mới, nên các hộ này được họp trước. Tháng 12/2014 mới họp và bố trí xong các lô sạp kinh doanh tạm cho các hộ này, sau đó mới họp các hộ ở các khu vực khác. Còn hơn 100 hộ tiểu thương Chợ Đầm chưa được thông báo về chủ trương bố trí, sắp xếp điểm kinh doanh tại chợ mới.
Theo ông Dũng, các hộ tiểu thương trong Chợ Đầm tròn không phải là chủ sở hữu sạp nên không thể đòi bồi thường. Khi góp vốn và mua trả tiền một lần lô sạp ở chợ mới, tiểu thương được cấp sổ sở hữu lô sạp đến năm 2053, hằng năm chỉ phải đóng các loại phí của chợ (quản lý, vệ sinh, điện nước, bảo vệ). “Chúng tôi giải thích cho bà con chưa cặn kẽ, nên bà con nghĩ là vừa phải bỏ tiền mua sạp, vừa phải bỏ tiền thuê”, ông Dũng nói.
Ngày 30/1, Cty CP Sông Đà - Nha Trang đã thông báo đến BQLCĐ và làm công văn gửi UBND thành phố Nha Trang về việc hủy thông báo số 482.
Post by Báo Tiền Phong.