Tiếp tục tìm kiếm, dự phòng cứu nạn máy bay mất tích

TP - Kết thúc ngày tìm kiếm, máy bay của Việt Nam đã phát hiện những vật thể nghi ngờ của máy bay, tuy nhiên do trời tối nên chưa thể thu thập để xác minh. Việt Nam đã lên phương án chuẩn bị con người và phương tiện để cứu hộ kịp thời nếu máy bay gặp tai nạn.
Các thành viên tổ bay Lữ đoàn không quân 918 trao đổi nghiệp vụ trước giờ cất cánh. ảnh: Trường Điền

Phát hiện vật thể khả nghi

19h ngày 9/3, thủy phi cơ HDC6 của Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện 2 vật thể màu trắng nghi của máy bay Malaysia gặp nạn, cách quần đảo Thổ Chu khoảng 80km về phía Nam Tây Nam. Tuy nhiên, do trời tối, máy bay không thể hạ cánh để kiểm tra cụ thể hai vật thể này. Dự kiến sáng nay, tàu thuyền và máy bay sẽ tiếp tục được điều động tới khu vực này để tìm kiếm.

Trước đó, 14h40, việc tìm kiếm trở nên khẩn trương hơn, khi máy bay của cả Singapore và Malaysia phát hiện vật thể màu vàng, nghi là của chiếc máy bay đang mất tích. Vị trí phát hiện vật thể có tọa độ lệch lên phía Tây Bắc so với vị trí phát hiện vệt dầu loang của ngày hôm trước. Vị trí này cách quần đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 100km về phía Nam Tây Nam.

“Vị trí nằm trong vùng biển và vùng trời Việt Nam, nên Việt Nam sẽ điều phối việc kiểm tra vật thể này”, ông Đinh Việt Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ GTVT) - Trưởng Ban tìm kiếm cứu nạn cục Hàng không, nói.

Ngay khi nhận được tin báo phát hiện có vật khả nghi, Việt Nam đã điều động tàu cứu nạn của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) và tàu của Cảnh sát biển tới vị trí để xác minh vật thể nghi ngờ.

Tuy nhiên, khi tiếp cận vị trí, tàu của Việt Nam đã không phát hiện bất kể dấu hiệu gì.

Sẵn sàng phương án cấp cứu

Ngày tìm kiếm thứ 2, Việt Nam tìm kiếm lệch lên phía Bắc quanh khu vực phía Nam quần đảo Thổ Chu (rộng khoảng 40.000km2); Malaysia mở rộng vùng tìm kiếm lệch về phía Tây Nam so với vị trí hôm qua; Singapore tìm kiếm lệch lên phía Bắc, xung quanh khu vực phát hiện nghi vệt dầu loang (hướng đảo Thổ Chu của Việt Nam).

“Quan điểm của Việt Nam là tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tàu, máy bay cứu hộ của các nước vào vùng biển và vùng trời Việt Nam tìm kiếm cứu nạn. Nên nếu có yêu cầu Việt Nam sẽ cấp phép cho hoạt động”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không Việt Nam nói.

Cùng với việc tìm kiếm cứu nạn, Việt Nam đã chuẩn bị để lên phương án cấp cứu, điều tra nguyên nhân nếu máy bay của Malaysia gặp nạn trên vùng biển Việt Nam. Chỉ đạo việc tìm kiếm cứu nạn, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu yêu cầu, Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn thông báo các lực lượng chuẩn bị con người và phương tiện. Khi có thông tin máy bay gặp nạn sẽ chuẩn bị sẵn sân bay dự phòng để máy bay các nước có thể đáp khi cần thiết. Nơi đặt sân bay dự phòng có thể tại Phú Quốc hoặc Cà Mau.

Không có mảnh vụn máy bay trên biển

Sau khi nhận được thông báo từ phía Việt Nam phát hiện vật thể nghi của máy bay MH370, Malaysia đã đề nghị phía Việt Nam cho phép 5 tàu nước này được vào phần lãnh hải của Việt Nam để tìm kiếm quanh khu vực xác định vật thể nghi vấn. Phía Việt Nam đã chấp thuận, đồng thời điều tàu của Việt Nam hướng tới khu vực trên. Tuy nhiên, tối qua, các nhà chức trách Malaysia xác nhận rằng vật thể lạ nổi gần đảo Thổ Chu của Việt Nam không phải của chiếc máy bay bị mất tích.

Dự kiến, ngày mai (10/3), Việt Nam sẽ điều 2 máy bay AN26 và 1 trực thăng Mi-171 tiếp tục tìm kiếm cứu nạn.

H.V

Chiều 9/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đã chủ trì cuộc họp khẩn với các lực lượng cứu hộ về việc tìm kiếm máy bay mất tích. Phó Thủ tướng chỉ đạo, cần triển khai an toàn vì rất nhiều lực lượng của các quốc gia khác nhau tham gia tìm kiếm; duy trì tìm kiếm 24/24 giờ vì nạn nhân vẫn còn cơ hội sống sót.

“Các thông tin hiện nay rất sơ sài, vùng biển nghi máy bay bị tai nạn được cho là chỉ sâu 40m. Máy bay tìm kiếm hoàn toàn có thể thấy máy bay bị nạn nhưng vẫn chưa thấy. Vì vậy, cần mở rộng vùng tìm kiếm”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ trưởng GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết, với các dữ liệu đưa ra, khả năng chiếc máy bay rơi trong khu vực quản lý bay của Việt Nam là rất cao. Để chuẩn bị cho phương án cứu hộ, ông Tiêu đề nghị lập trạm chỉ huy tại Phú Quốc (Kiên Giang).

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, vệt dầu loang phát hiện chiều 8/3, đang lấy mẫu để kiểm tra xem có phải là nhiên liệu máy bay hay không. Ngoài ra, nếu cần thiết có thể điều thêm máy bay, tàu từ phía Bắc vào để tăng cường tìm kiếm.

Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay, theo thông lệ, nếu phát hiện máy bay tai nạn tại vùng biển Việt Nam, nước ta sẽ nhận trách nhiệm điều tra. “Chúng ta phải tập hợp những mảnh vỡ còn sót lại, tiếp nhận nạn nhân, lo nơi ăn chốn ở cho thân nhân người bị nạn”, ông Thanh nói.

Hai PV Tiền Phong bay cùng đoàn cứu hộ

Trưa 9/3, xuất phát tại Cà Mau, phóng viên báo Tiền Phong bay cùng tổ bay trực thăng chuyên cứu nạn, cứu hộ trên biển của Trung đoàn Không quân 917. Đại tá phi công Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 917, cho biết: “Chúng ta hạ độ cao xuống khá thấp, khoảng 100m phát hiện một, hai vật thể nổi lên, xem xét thì không phải là vật trên máy bay. Có thể đó là phao cũ ai đó vứt đi, trôi dạt trên biển”. Về vệt màu vàng nghi là vết dầu loang, đại tá Trần Văn Quang cho biết, đó là bãi cạn. T

Trước đó, sáng 9/3, xuất phát từ TPHCM, một phóng viên khác của báo Tiền Phong bay cùng tổ bay của Lữ đoàn Không quân 918, tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển. Trong hai ngày liên tiếp (8-9/3), các thành viên tổ bay đã bay liên tục 3 chuyến, mỗi chuyến khoảng 4 tiếng trên không. Trên mỗi chiếc máy bay đều mang theo rất nhiều áo phao cứu hộ, sẵn sàng thả xuống biển nếu phát hiện có nạn nhân trôi dạt. (Thông tin chi tiết, mời đọc trên tienphong.vn).

Trường Điền - Tiến Hưng