Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng:
Tiếp thu ý kiến nhân dân vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi
> Phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân
> Quốc hội hỗ trợ DN và người dân
Phiên họp nhằm xây dựng mô hình, tổ chức, cách thức làm việc của Ban Biên tập trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, phương thức tổ chức làm việc của Ban có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.
Việc chỉ đạo, phối hợp giữa các Tổ Biên tập với Thường trực Ban Biên tập phải thống nhất, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Công tác xây dựng dự thảo phải đảm bảo tiếp thu được ý kiến đóng góp của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Công tác xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bao gồm nhiều nội dung, khối lượng công việc rất lớn và tiêu chí cao, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm rất cao, phương thức làm việc khoa học của Ban Biên tập, các bộ phận liên quan. Việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992 phải trên cơ sở kế thừa và tổng kết cả quá trình thực hiện Hiến pháp 1946 kết hợp với các bản Hiến pháp qua các thời kỳ.
Theo TS.Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Trưởng Ban Biên tập, Ban dự kiến Thành lập 6 Tổ Biên tập bao quát các lĩnh vực trong nội dung Hiến pháp. Tháng 4-2012, Ban biên tập sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương báo cáo tổng kết việc thi hành và những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992. Bản dự thảo lần 1 Hiến pháp sửa đổi sẽ trình ra QH thảo luận, cho ý kiến vào tháng 10-2012 (kỳ họp thứ tư, QH Khóa XIII), đưa ra lấy ý kiến nhân dân vào tháng 1-2013. Cuối năm 2013, QH sẽ xem xét, thông qua bản Hiến pháp năm 1992 sửa đổi.