Tiến sĩ nấm

TP - TS Thám kể về những dãy núi, khu rừng mà mình đã đi qua. Anh nhớ như in hình dáng, đặc tính, công dụng của từng loài nấm. Nhưng anh nói rất ít về gần 100 công trình khoa học đã công bố trong và ngoài nước, về bao nguồn gien quý về nấm mà bản thân cùng cộng sự đã phát hiện, lưu giữ cho Việt Nam và thế giới.
TS Thám phát hiện linh chi đỏ trong rừng

Hơn 30 năm trước, chàng cử nhân Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Xuân Thám hăm hở khăn gói vào Nam và đã bị miền đất này mê hoặc.

Từ nghiên cứu hạt nhân chuyển qua... nấm

PGS. TS. Lê Xuân Thám nhớ lại: Những năm 1990 – 1992, Việt Nam rất ồn ào về thần dược nấm linh chi, nhất là khi xuất hiện bài báo khoa học công bố trên thế giới về kết quả của một công trình nghiên cứu, trong đó khẳng định loài nấm này có khả năng hút phóng xạ trong không khí để thanh lọc ô nhiễm.

Trước thông tin gây sốc đó, Xí nghiệp Dược 24 đã đặt hàng Viện Nghiên cứu Hạt nhân (NCHN) Đà Lạt nghiên cứu đánh giá về hoạt tính của nấm linh chi.

Đọc bài công bố, Lê Xuân Thám có cảm giác kết quả nghiên cứu trên không chính xác và nghi ngờ đó đã được xác tín bởi Viện NCHN Đà Lạt. Viện này khẳng định hoàn toàn không có chuyện nấm linh chi hút được phóng xạ trong không khí.

Linh chi đỏ.

Tuy nhiên với những người bị nhiễm phóng xạ xê-di thì việc uống nấm linh chi sẽ giúp đào thải bớt phóng xạ trong cơ thể bởi đây là loại dược liệu giàu kali.

Thời điểm đó Lê Xuân Thám đã công tác tại cơ quan nghiên cứu hạt nhân 11 năm, đọc và chứng kiến nhiều tác hại đáng sợ cho sức khỏe con người gây ra bởi sự cố hạt nhân vì chưa có thuốc chữa trị hữu hiệu.

Anh nói, sự kiện trên giúp tôi thấy được công dụng tuyệt vời của nấm linh chi và quyết định chuyển hướng nghiên cứu sâu về đa dạng sinh học và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trên đối tượng thực vật thú vị này. Trên cơ sở đó Lê Xuân Thám đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1996 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó sang Nhật nghiên cứu.

Phát hiện vàng đen từ một chuyến đi lạc

Về kỷ niệm khó quên nhất trong những chuyến khảo sát liên miên suốt mười mấy năm qua, TS Thám nói: Năm 2004, vì mải mê tìm kiếm và chủ quan không nhờ bên kiểm lâm dẫn đường nên tôi cùng ba học trò của Đại học Nha Trang bị lạc ở VQG Cát Tiên.

Nhưng cũng nhờ đi lạc rừng mà may mắn phát hiện được nấm hắc chi Amauroderma subresinosum lóng lánh màu của vàng đen. Đây là loài linh chi rất quý hiếm lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam. Chúng ta đã giải trình tự gene, phân tích được hoạt chất (điều chưa ai làm) và nuôi trồng hoàn chỉnh loài nấm này.

Nếu Việt Nam có khoảng 2.000 loài nấm thì chỉ riêng VQG Cát Tiên, TS Thám và các đồng nghiệp khảo sát được gần 500 loài, trong đó có hơn 90 loài mới, trên 20 chi mới, một họ mới và một bộ mới bổ sung cho khu hệ nấm nước ta và nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất là họ nấm linh chi.

 

Khi khảo sát sơ bộ ở điểm nóng về sự đa dạng nguồn tài nguyên nấm VQG Cát Tiên, GS Akira Suzuki (Đại học Chiba Nhật Bản) và GS Li Tai Hui (Viện Vi sinh Quảng Đông Trung Quốc) đã phải thốt lên đầy thán phục về mật độ đa dạng hiếm có của khu hệ nấm, hàm chứa nhiều yếu tố mới cho cả Việt Nam và quốc tế.

Cổ linh chi được phát hiện khá phong phú; linh chi đỏ có ít nhất 3 loài quý thuộc nhóm xích chi, trong đó Ganoderma tropicum đẹp rực rỡ với sắc nâu đỏ; 3 chủng nấm vân chi đặc sắc Trametes versicolor, Trametes sp.1, sp.2; linh chi chùm mới của Việt Nam chưa từng được nghiên cứu…

Những khám phá này rất quý giá cho y học bởi linh chi luôn được xem là thảo dược linh thiêng kỳ bí: Chữa ung thư (vân chi), chống béo phì (linh chi đen); ứng dụng trị liệu các bệnh tim mạch; hạ bớt lượng đường trong máu của người bị tiểu đường; tăng cường đào thải các chất phóng xạ nhiễm vào trong cơ thể…

Ngoài ra, khó nơi nào có sự tồn tại cùng lúc cả 3 loài nấm lưới vàng, lưới trắng và lưới hồng tuyệt đẹp và quý giá như ở VQG Cát Tiên. Loài nấm này được dùng làm thực phẩm quí ở một số nước châu Á hoặc được nuôi trồng khá phổ biến và sử dụng làm dược liệu ở Trung Quốc.

Tại khu vực thác Trời ở VQG này và ở K’Long K’Lanh (Lạc Dương, Lâm Đồng), TS Thám cùng GS. JM Moncalvo, nghệ sĩ Vũ Mạnh Tư còn phát hiện một loài nấm mới ở miền Nam là nấm phát quang - loài cực kỳ quý hiếm có giá trị cả về thực phẩm và dược liệu - (chữa ung thư) vốn được coi là một thứ ma trơi dùng để đánh dấu trong đêm tối.

TS Thám cùng các đồng nghiệp trong và ngoài nước cũng đã phát hiện nhiều loài (3 loài đã mô tả chi tiết và 2 loài nữa chưa được khảo cứu đầy đủ) cho chi mới của Việt Nam: Heimiomyces rheicolor Cattien – Dalat. Nhóm nấm này thường mọc trên thân cây gỗ, gây mục mạnh và còn có các tên gọi khác là nấm mặt trời hoặc thái dương, rất hiếm và có giá trị thực phẩm quí.

Nấm lưới vàng.
 

Sống chết với nghề

Theo TS Thám, trong hệ nấm phong phú của Việt Nam, cả ngàn loài có thể sử dụng làm thực phẩm, mấy trăm loài được dùng làm thuốc nhưng cũng có hàng trăm loài khác có độc tính, thậm chí cực độc, do đó đừng bao giờ mạo hiểm lấy nấm ngoài thiên nhiên để ăn thử.

Gần 3 năm trước, khi đi khảo sát nấm ở K’Long K’Lanh, anh cùng đoàn nghiên cứu Nhật Bản đã hái một loài nấm trong rừng để xào ăn vì tưởng là nấm thông thường. Nào ngờ, sau bữa ăn, cả đoàn gần chục người đều bị ngộ độc với các triệu chứng chóng mặt, nôn mửa… phải vào bệnh viện điều trị.

Hành trang của người sưu tầm nấm ngoài những cuốn sổ tay đi rừng, sách chuyên khảo khổ nhỏ để tra cứu dĩ nhiên không thể thiếu những đôi giầy cao cổ, quần dài, áo có tay dài, bao tay, thuốc chống vắt… TS Thám rất thán phục khi kể về một số người có kỹ năng đi rừng rất giỏi: Biết những loại lá cây để chữa rắn cắn, gãy chân tay; dùng lá cây xoa lên người để sống chung với các loại rắn độc; lắng nghe tiếng chim hót, chim vỗ cánh để biết nơi nào có trái ăn – chim ăn là người ăn được; vào ban đêm, nghe tiếng thác đổ là biết có vực phía trước mà tránh…

Công bố 2 loài nấm mới cho thế giới

Tháng 11-2011, trên tạp chí của Springer (nhà xuất bản quốc tế của Đức), TS Thám cùng giáo sư J.M.Moncalvo (Đại học Toronto ở Canađa) công bố một loài nấm mới của thế giới được phát hiện tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên với tên gọi Tomophagut cattienensit – Hoàng chi Cát Tiên.

Đây là một loại nấm linh chi mọc đơn lẻ trên gốc cây gỗ lớn với lớp thịt nấm rất dày xốp, rất hiếm gặp.

Nấm hương trắng.
 

TS Thám cũng đang cùng cán bộ VQG Cát Tiên Phạm Ngọc Dương chuẩn bị công bố loài mới Lentinula platinedodes.

Loài nấm quý này thuộc nhóm nấm hương (Shiitake) – nhóm nấm vốn chỉ được phát hiện tại các vùng có khí hậu lạnh, nay lại được phát hiện ở vùng có khí hậu nhiệt đới như khu vực Thác trời VQG Cát Tiên. Các tác giả đặt tên tiếng Việt là bạch kim hương.

Nấm Hoàng Chi.
 

Sự phát hiện 2 loài nấm này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt về mặt khoa học mà hoàng chi Cát Tiên còn được kỳ vọng là dược liệu quý và bạch kim hương là loại thực phẩm có giá trị kinh tế lớn.

Ngoài ra, ông cùng TS D.M. Bryn (Đại học Toronto, Canada), TS Trương Bình Nguyên và một số nhà khoa học đã phát hiện 3 loài nấm hương nguyên sơ, hoang dại khác trên núi Lang Biang (Lạc Dương, Lâm Đồng) là Lentinula cf. lateritia, Lentinula cf. boryana Lentinula edodes Langbiang. “Từ xưa đến nay ít ai nghĩ trên ngọn núi cao bậc nhất Nam Tây Nguyên (1.800 – 2.000m) này có Shiitake” – TS Thám nói.

Nấm hương trắng.
Nấm Hoàng Chi.
Nấm hương trắng.
Nấm Hoàng Chi.
Theo Báo giấy