Tiền Phong có mấy bà...

TP - Tiền Phong có nhiều nữ, cán bộ và phóng viên. Nhân tòa báo bước sang tuổi 71, chợt nhớ ra có ba vị đã cao niên, may mắn giời thương, các bà đều trên 90. Vẫn khỏe và minh mẫn.

Ngó số báo Tiền Phong đầu tiên ra ngày 16/11/1953 ấy, nhà báo Văn Quý ( họ Nguyễn) bút danh là Vũ Giang có truyện ngắn ở trang một. Ảnh của Tân Sơn (sau này là nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam) cũng ở trang 1.

Nhà báo Văn Quý- Vũ Giang, vợ là Lê Thị Túy nhập tịch làng Tiền Phong khu tập thể 128 Hàng Trống cuối những năm 50. Về làm hàng xóm của nhà báo Vũ Giang lâu lâu, tôi mới biết cái bài trong sách giáo khoa lớp 5 có tên là Đêm mưa ấy không phải là một bài báo mà trích ra từ truyện ngắn cùng tên trên Tiền Phong. Dai dẳng thay trí nhớ một thời. Đến giờ câu cuối còn ám mồn một “Tiếng ếch nhái kêu ran trên cánh đồng lúa chiêm vừa gặt” .

Bà Lê Thị Túy (ngoài cùng bên trái), bà Nguyễn Thị Lan (ngoài cùng bên phải) dịp kỷ niệm 65 năm báo Tiền Phong.

Dai dẳng nhớ những buổi rét tái tím. Trên gác 3 tòa soạn, mấy anh chị em quần tụ trong căn phòng Ban Kinh tế bàn ghế xập xệ. Chị ở đây là Lê Thị Túy biên ủy, phụ trách mảng nông nghiệp. Có PV Xuân Nam (sau này thành nhà thơ Dương Kỳ Anh) và tôi đi nhà máy Dệt thành Nam đáp tàu mới xuống ở ga Hàng Cỏ. Có phóng viên Hoàng Sơn (sau này là nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn) mới guồng xe xuyên mưa bụi từ Bắc Ninh về.

Chiều rét ấy, chị Túy kể cho chúng tôi một chuyện, đúng hơn là một kỷ niệm, nghe vừa lạ vừa hãi. Ấy là một đêm trăng thu, nhà báo Vũ Giang và cô phóng viên trẻ Lê Thị Túy, hai người hai xe đạp song song với nhau như thế, chuyện nối chuyện từ Hà Nội ngược lên mãi Phố Gạch gần thị xã Sơn Tây. (cô TNXP Lê Thị Túy về Tiền Phong cuối năm 1954 cùng ngày với Bùi Ngọc Tấn và Vũ Lê Mai. Sau này anh PV Ban Thanh niên công nhân Bùi Ngọc Tấn đã thành nhà văn có danh và Vũ Lê Mai cũng là một biên kịch có tiếng).

Bà Bích Hậu (phải).

Những câu chuyện không đầu không cuối đêm trăng song xe đạp ấy dìu đôi nam thanh nữ tú trở lại 15 Hồ Xuân Hương thì trời đã sáng bạch. Sau đêm trăng đó ít lâu, họ tổ chức đám cưới. Đó là ngày 30/3/1958. Trí nhớ chị Túy tốt một phần nhưng phần chị nhớ hơn là anh chị quyết định tổ chức đám cưới vào cuối tháng vì không muốn làm phiền mọi người phải đi mua đồ mừng. Thời ấy nó vậy. Ít người dư dật. Mồng 5 hàng tháng phát lương đợt 1. Đến 17 thì đợt 2. Cuối tháng đã sạch bách.

Con đường dẫn anh tú tài trường Thăng Long Nguyễn Văn Quý lên An toàn khu và về Khu Đoàn Việt Bắc rồi Văn Quý có mặt thời điểm báo Tiền Phong ra số đầu tháng 11/1953 là cả một câu chuyện dài, cũng dài như nỗi đau người hàng xóm, anh Quý, chị Túy đột ngột mất đứa con trai thứ hai năm ấy. Và dài như thời gian nhà báo Vũ Giang chuyển công tác sang Báo Nhân Dân.

Ở Hà thành có nhiều khu Tập thể mà các cơ quan đoàn thể định cư từ hồi tiếp quản Thủ đô. Như nhà 65 Nguyễn Thái Học. Cư dân của nhà 65 những Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm Huỳnh Văn Gấm, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam…

Từng nghe về một nhạc sĩ (NS) An Chung tài hoa, tác giả những ca khúc Trăng sáng đôi miền, Chuyển lộng ra khơi, Tôi người lái xe, Hát lên em - cô gái Thái Bình, Đường cày đảm đang… lứa chúng tôi nhiều người thuộc. Lại được thấy một NS An Chung ngoài đời thực. Tóc bồng bềnh, thường sơ mi trắng cài kín cổ, mùa nực cũng vậy thỉnh thoảng ghé qua Hồ Xuân Hương đón má Lan, người đánh máy chữ của báo. Sao hồi ấy cánh phóng viên trẻ độc thân hay gọi là má? Phải má Lan có cô con gái xinh xắn? Chả biết!

Chị Lan vóc người cân đối thuở trẻ chắc cỡ hoa khôi? Hồi tôi về báo, chị đã non bốn mươi mà ngó còn khá mặn mòi. Chị Lan không biết thạo cái nghề đả tự viên từ khi nào. Mà không chỉ tiếng Việt. Chị đánh chữ Anh, Pháp thành thạo. Cái tài ấy của chị rất ít khi được mang ra dùng. Đâu như vài lần, người của nhà xuất bản ngoại văn, của Bộ Ngoại giao đến nhờ chị, tôi mới biết?

Chị Lan khá khó tính. Mà tinh lắm. Có cái lạ, bản thảo của anh nào xếp hàng chờ đánh máy mà có hơi hướng thuổng, luộc lại chi tiết nào đó của đồng nghiệp trong báo hay ngoài chị đều biết. Nhưng không bao giờ làm toáng. Chị kêu tới chỉ vào cái dấu hỏi chị đánh bên lề bản thảo. Nghĩ mà ngại sức đọc sức nhớ của chị?

Má Lan hưu. Ở với con dưới Lò Đúc.

Cùng phòng Kinh tế còn có chị Bích Hậu cũng chuyên theo dõi mảng nông nghiệp.

Tác phẩm của bà Bích Hậu.

Sau mấy năm ở ban nông nghiệp, chị Hậu chuyển lại về Ban Bạn đọc. Có lẽ cái tạng của chị chỉ thích hợp với công việc đặc thù của ban này thì phải? Người chị nhỏ tanh tách. Thoắt đi thoát về. Không hiểu chị lấy đâu ra năng lượng để trang trải cho hết những chuyện ập về Ban Bạn đọc phải giải quyết mà không ít người coi đấy là những chuyện trời ơi!

Một lá thư từ Phú Xuyên Hà Tây gửi về Tòa soạn với yêu cầu hơi bị oái oăm là nhờ báo tìm hộ người chồng đã biệt tích đến tay chị Bích Hậu.

Bấy giờ là năm 1968. Chiến tranh phá hoại lan rộng khắp miền Bắc. Đò, xe diệu vợi. Đến nhiệt tình như Tổng Biên tập Đinh Văn Nam còn đắn đo khuyên chị khi đó sức yếu con mới sinh hãy cân nhắc… Nhưng chị Hậu quyết tâm lên Tây Bắc.

Mò mẫm nửa tháng trời khi xe khách, lúc đạp xe, chị đã đến một công trường xây dựng ở tận Điện Biên Phủ.

Kể và kê biên ra thì dài đoạn trường đi tìm cái anh công nhân nào đó có tên là Thế. Vậy mà chị Hậu đã tìm được. Kết cục cái Tết năm ấy, anh thợ nề Thế quay về quê nhà Bạch Hạ, Phú Xuyên đoàn tụ với người vợ tao khang cùng 3 đứa con.

Nhiều chuyện về Tiền Phong, dài lắm, sẽ kể tiếp những lần kỷ niệm sau... Chuyện nhân tình thế thái sau hậu chiến, Nhiều bài báo nối tiếp sau những chuyến đi của chị Bích Hậu với âm hưởng chủ đạo vừa quyết liệt vừa mềm mỏng để bảo vệ quyền làm mẹ cùng những chế độ chính sách cho hơn 30 cô gái TNXP quá lứa nhỡ thì ở Làng Lòi không có chồng mà có con!...