Tiền công đức: Khó nhưng không thể không quản

TP - Câu chuyện tiền công đức và minh bạch thu chi vừa được làm nóng ở nghị trường trong phiên chất vấn Bộ trưởng VHTTDL. Thực tế việc quản lý tiền công đức vẫn đang có khoảng trống pháp lý.

BỎ NGỎ

Dư luận lâu nay băn khoăn khi ở nhiều di tích lớn nhỏ, hòm công đức đặt tràn lan. Bộ VHTTDL từng có văn bản khuyến nghị mỗi di tích không nên đặt quá ba hòm công đức ở ba ban thờ chính. Thực tế số lượng hòm công đức, hòm đựng tiền giọt dầu ở một ban thờ chính vượt xa con số quy định. Dễ dàng nhận thấy tình trạng này khi tới những di tích như Đền Trần, đền Bảo Hà, chùa Thầy...

“Tôi cho rằng nhiều hòm công đức hay ít không quan trọng. Thực tế số hòm công đức không nhiều, còn lại ở các ban thờ là các hòm đựng tiền dầu nhang. Những hòm giọt dầu có tác dụng tránh tình trạng người dân cài giắt tiền lẻ lên ban thờ, tay tượng Phật. Quan trọng nhất là câu chuyện quản lý và sử dụng nguồn tiền công đức thế nào, liệu có sự trục lợi hay không”, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL nói với Tiền Phong.

Nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo còn lúng túng trong quản lý, công khai minh bạch tiền công đức Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) công bố con số khoảng 112 tỷ đồng thu được từ mùa lễ hội chùa Hương 2018. Thực tế số tiền này đều từ nguồn thu bán vé thắng cảnh. Lượng tiền công đức, tiền giọt dầu không hề nhỏ tại chùa Hương do nhà chùa quản lý. Đây không phải trường hợp hiếm hoi gây băn khoăn về công khai minh bạch tiền công đức.

“Tôi cho rằng rất cần quy chế quản lý tiền công đức. Bởi đây là nguồn tiền rất lớn do dân đóng góp, có khi lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Xưa kia người dân công đức vào chùa đều được ghi lại trên bia đá, vậy ngày nay dân đóng góp cũng phải công khai, cần có cơ quan quản lý số tiền đó được chi tiêu ra sao”, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian nêu ý kiến.

Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: chưa có văn bản pháp lý nào điều chỉnh nguồn tiền công đức. Bộ ban hành Thông tư 04 liên tịch hướng dẫn sử dụng tiền công đức năm 2014, mang tính chất khuyến nghị chứ không có chế tài cụ thể.

Điều 7 của Thông tư 04 nêu: Người phụ trách (trụ trì), BQL cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch, tuân thủ quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

CẦN CÁC BỘ VÀO CUỘC

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cho rằng, rõ ràng trong việc quản lý tiền công đức có sự lúng túng của các bộ, ngành liên quan. “Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là tư duy cứ động tới tôn giáo là e ngại, coi đó là vấn đề nhạy cảm. Tôi nghĩ bất cứ tôn giáo nào đã thuộc lãnh thổ Việt Nam cần tuân thủ pháp luật Việt Nam. Hiện chưa có văn bản cụ thể quản lý tiền công đức, nhưng các bộ ngành phải làm bằng được bởi đây là yêu cầu cấp bách. Nhiều địa phương có tình trạng xem công đức là tiền chùa nên chi tiêu không đúng mục đích, không rõ ràng”, TS Sơn nói.

Quy định pháp lý về tiền công đức không phải tới bây giờ các bộ, ngành mới nghĩ tới. Nhiều năm trước các bộ có kế hoạch ngồi lại bàn thảo về quy định này, tuy nhiên chưa thể thực hiện được. Cuối cùng chỉ có Thông tư 04 hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có quy định chung chung về quản lý tiền công đức.

Quản lý hòm công đức cần minh bạch, công khai. Ảnh: T.L

Vướng mắc lớn nhất ở đây là trách nhiệm liên bộ, ngành giữa Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ. Bộ VHTTDL có trách nhiệm quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, lễ hội ở di tích. Nguồn tiền thu chi thuộc Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở các cơ sở thờ tự. Nhiều chuyên gia văn hóa chung nhận định rằng thường những thông tư hay quy định liên tịch rất khó thực hiện, bởi ai cũng nghĩ không phải trách nhiệm chính của họ.

“Chính phủ ban hành Nghị định 110 liên quan quản lý và tổ chức lễ hội. Trong Nghị định có điều khoản giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn về vấn đề thu chi”, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nói. Ông giải thích thêm: Nghị định mới ban hành cuối năm 2018 nên Bộ Tài chính chưa kịp triển khai văn bản hướng dẫn. Lãnh đạo Bộ VHTTDL mong muốn Chính phủ sớm có văn bản quy định cụ thể hơn về quản lý tiền công đức.

Thừa nhận yêu cầu công khai minh bạch tiền công đức là mong muốn chính đáng của người dân, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nói rằng, trong lúc chờ đợi văn bản cụ thể, nhiều địa phương có những mô hình quản lý thu chi sử dụng tiền công đức hiệu quả. Hà Nội có sự phối hợp chủ động giữa ngành văn hóa, tài chính, chính quyền địa phương với các BQL di tích và lễ hội trong quản lý tiền thu công đức. Khu di tích đền Gióng chẳng hạn, sau khi thay đổi cách thức quản lý tiền công đức tăng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng/năm, dù lượng khách không tăng đột biến.

Một trong số mô hình quản lý tiền công đức đáng học tập chính là Đền Cửa Ông (Quảng Ninh). Chủ tịch UBND phường Cửa Ông làm Trưởng BQL di tích đền, bên cạnh đó có các phó ban điều hành và giám sát hoạt động. Nguyên tắc kiểm đếm tiền công đức phải có mặt các bên gồm lãnh đạo BQL, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường, cán bộ tài chính thành phố, thủ từ. Tiền được kiểm đếm xong vào sổ sách, ký nhận biên bản để chuyển về tài khoản của thành phố. Mọi hoạt động mở hòm công đức, kiểm đếm đều có camera ghi lại. Đền Cửa Ông bên cạnh quản lý tốt nguồn tiền công đức, cũng là một trong những di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang từ chính nguồn thu này.

Có nên đặt vấn đề tư nhân quản lý tiền công đức?

TS Trần Hữu Sơn nêu ý kiến, trong quá trình nghiên cứu các mô hình quản lý cũng nên lưu tâm tới việc để tư nhân tham gia vào quản lý tiền công đức. Tuy thế, ông lưu ý rằng tư nhân quản lý lại dễ nảy sinh vấn đề: quan tâm nhiều tới lợi nhuận mà ít quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích. 

“Tôi cho rằng nhiều hòm công đức hay ít không quan trọng. Thực tế số hòm công đức không nhiều, còn lại ở các ban thờ là các hòm đựng tiền dầu nhang. Những hòm giọt dầu có tác dụng tránh tình trạng người dân cài giắt tiền lẻ lên ban thờ, tay tượng Phật. Quan trọng nhất là câu chuyện quản lý và sử dụng nguồn tiền công đức thế nào, liệu có sự trục lợi hay không”. Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL