Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành khảo sát này. Kết quả khảo sát hơn 415.000 phụ huynh tham gia, cho thấy: 60,6% đồng ý tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý.
“Chúng tôi sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến rất chi tiết, cụ thể về các phản ứng sau tiêm, cũng như theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm. Đồng thời sẽ truyền tải các thông tin này đến cộng đồng, đến bậc cha mẹ để phụ huynh cùng tham gia với ngành y tế, cán bộ y tế trong theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng”, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.
Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục ban hành các hướng dẫn để tổ chức triển khai tiêm một cách chi tiết, đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn tiêm chủng. Bà Hồng cho biết thêm, trẻ sẽ được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các điểm tiêm chủng tương tự như chiến dịch tiêm cho các trẻ từ 12-17 tuổi vừa qua. Cụ thể, những trẻ đi học được tiêm tại trường, trẻ không đi học được tiêm chủng tại trạm y tế. Đối với những trẻ có bệnh lí nền, bệnh lí mạn tính sẽ tiêm tại các bệnh viện để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Bộ Y tế cho biết thêm, vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer đã được Cơ quan quản lí dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lí dược châu Âu (EMA) phê duyệt sử dụng. Đến nay đã có 44 quốc gia tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi, trong đó có đến 75% dùng vắc xin Pfizer. Bộ Y tế đang hoàn thiện các thủ tục mua sắm, kí hợp đồng với Pfizer.
Sẵn sàng phương án xử trí cho học sinh mắc COVID-19
Liên quan đến vấn đề trẻ em mắc COVID-19, tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội chiều 8/2, các chuyên gia nhận định ca bệnh trẻ em mắc COVID-19 diễn biến nặng thấp, tuy nhiên vẫn có trường hợp tử vong khi số ca mắc quá nhiều.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, Bộ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường. Cụ thể, Bộ Y tế đang nhanh chóng cập nhật phác đồ điều trị học sinh mắc COVID-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình huống số học sinh mắc COVID-19 tăng đột biến, gây quá tải. 2 Bộ đang rà soát hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, phản ứng của y tế học đường, y tế cơ sở khi có ca mắc COVID-19.
Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá, các địa phương đã thực hiện các yêu cầu chung để bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường như tiêm vắc xin; tập huấn các tình huống để xử trí khi xuất hiện ca nhiễm trong lớp học, trường học; có kinh nghiệm điều trị các ca mắc COVID-19 là trẻ em. Đồng thời đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ mắc bệnh cùng lúc. Đáng chú ý, hiện nay, các loại thuốc điều trị COVID-19 không khuyến nghị sử dụng cho trẻ em. Vì thế, khi 20 triệu học sinh đến trường, số trẻ mắc COVID-19 có thể tăng lên bởi thực tế trẻ em khó thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp 5K…
Các chuyên gia khuyến cáo về khả năng trẻ lây nhiễm từ trường học về gia đình, trong đó có thể lây cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin COVID-19 như người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi, phụ nữ mang thai... những đối tượng nguy cơ khác. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Nếu không có các kịch bản phòng, chống chi tiết, cụ thể khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh thì sẽ gây lúng túng cho các trường học cũng như lo lắng từ phụ huynh, xã hội”.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn điều trị riêng cho trẻ mắc COVID-9 theo 2 tầng: Tự chăm sóc, điều trị tại nhà; điều trị trong bệnh viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ Y tế cần có kế hoạch tập huấn cho tất cả các y, bác sĩ trong các bệnh viện nhi, khoa nhi. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ cử các bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm tham gia những lớp tập huấn đầu tiên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cuộc chiến chống dịch COVID-19 đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, đặc biệt trong đó là bảo vệ sức khỏe của trẻ em, nhất là khi trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện, trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh chưa được tiêm vắc xin. Nhóm đối tượng này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh, đòi hỏi kĩ năng chăm sóc khó hơn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, qua quá trình triển khai kế hoạch đưa học sinh trở lại trường, thành phố đã chỉ đạo các trung tâm y tế, trạm y tế hỗ trợ tích cực cho y tế học đường, tập huấn kỹ cho cán bộ quản lí, giáo viên, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.