Thủy đậu, quai bị vào mùa: Chớ coi thường

Các chuyên gia y tế cảnh báo, miền Bắc đang bước vào đợt cao điểm của dịch thủy đậu và quai bị. Tuy là hai bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể có biến chứng và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Phụ nữ có thai mắc thủy đậu dễ sảy thai

Bệnh nhân N.T.H (23 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) bị mắc bệnh thủy đậu khi đang có thai 10 tuần tuổi. BN nhập viện với triệu chứng sốt ngày thứ 2 và xuất hiện ban phỏng nước trên mặt và thân mình… Sau 2 ngày được điều trị, đến chiều 14/2 tuy BN đã hết sốt nhưng các tổn thương phỏng nước vẫn còn xuất hiện dày và thai nhi vẫn đang được theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Theo TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai: Bệnh thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster, lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn nếu chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em.

Bệnh thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào dịp đông xuân. Bệnh thường diễn biến lành tính tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên có thể xảy ra biến chứng, nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước xuất hiện, nặng hơn có thể gây viêm phổi, viêm não,...Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị thuỷ đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sảy thai, hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh…

TS Cường cũng cho biết: Hiện nay bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu chống virus thuỷ đậu là Acyclorvir nhưng cần phải điều trị sớm trong những ngày đầu thì mới có hiệu quả. Bên cạnh đó dùng thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, bôi các dung dịch sát khuẩn làm se các nốt phỏng tránh bội nhiễm (xanh methylen), vệ sinh thân thể tránh các biến chứng bội nhiễm, không cần phải kiêng cữ nhiều (kiêng gió, kiêng nước,...). Điều quan trọng là phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn như corticoides,...

Cách phòng ngừa bệnh thuỷ đậu hiệu quả hiện nay là tiêm phòng vắc - xin. Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng từ 18 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Đối với phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất là 2 tháng.

Nam giới trưởng thành mắc quai bị dễ bị viêm tinh hoàn

Cũng theo TS Đỗ Duy Cường, mùa này cũng là dịp cho các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, quai bị,.. gia tăng.

Khoa Truyền nhiễm đã điều trị cho bệnh nhân nam B.T.T (sinh năm 1994, Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện bởi một bên tinh hoàn sưng to khiến bệnh nhân đau đớn. Trước đó 4 ngày bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng quai bị đầu tiên, sau khi tiếp xúc với người bạn mắc quai bị. Sau vài ngày sưng đau tuyến nước bọt mang tai, sốt, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, sưng đau 1 bên tinh hoàn bên trái. Gia đình vội đưa bệnh nhân vào khám vì lo sợ sau này cháu sẽ bị vô sinh.

“Teo tinh hoàn là nỗi lo lắng lớn nhất của nam giới trưởng thành khi mắc quai bị. Bởi khi vi-rút tấn công, tinh hoàn sưng to gấp 2 - 3 lần bình thường, người bệnh rất đau. Sau 7 ngày, dù không điều trị, phần lớn tinh hoàn cũng sẽ giảm sưng đau và trở về bình thường. Nếu được điều trị bằng các thuốc chống viêm, giảm đau tình trạng sưng đau sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi sát đề phòng biến chứng teo tinh hoàn sau này”, TS Cường nói.

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại Paramyxo-virus tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai. Bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi. Bệnh nhân quai bị có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (trước khi sưng tuyến nước bọt) cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh là 1-2 tuần. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não- màng não... Tất cả mọi người chưa từng bị quai bị lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa quai bị đều có khả năng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Các chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc-xin hỗn hợp 3 trong 1 (MMR- sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.

Theo Theo bachmai.gov.vn