Thượng úy công an bị bắt oan đòi quyền lợi

TP - Sáng 7/10, Công an thành phố Cần Thơ làm việc với ông Đinh Trung Tấn ở xã Liêu Tú (Trần Đề, Sóc Trăng) về vụ bị bắt oan 37 năm trước, khi ông Tấn là thượng úy công an. Hồi đó, bị bắt oan với ông Tấn còn có 2 sỹ quan công an khác.
Ông Đinh Trung Tấn nghẹn ngào kể lại đêm bị khai trừ Đảng, bắt tạm giam. Ảnh: Sáu Nghệ

Bắt người không có hành vi phạm tội

Đây là vụ án gây rúng động tỉnh Hậu Giang cũ. Đêm 29/4/1978, thượng úy Công an thành phố Cần Thơ, ông Hai Thông, bị bắn chết khi đang chạy xe máy trên đường. Hồi đó, thành phố Cần Thơ là cấp huyện, tỉnh lỵ của tỉnh Hậu Giang cũ (gồm tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ bây giờ). Mấy ngày sau, đêm 1/5/1978, ông Đinh Trung Tấn, thượng úy công an thành phố Cần Thơ, bị bắt tại nhà, vì tình nghi là chủ mưu vụ ám sát. Người ký lệnh bắt là Trưởng Công an thành phố Nguyễn Tấn Lộc.

Làm việc tại Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an thành phố Cần Thơ sáng 7/10/2015, ông Tấn kể: Ông sinh năm 1939, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 21 tuổi, ở Tiểu đoàn 306, Quân khu 9. Năm 1965, ông chuyển công tác sang ngành an ninh khu Tây Nam bộ và từ ngày giải phóng, ông về công tác tại Ty Công an tỉnh Hậu Giang cũ. Sau khi bị bắt, một số đồng nghiệp của ông kêu oan giúp ông và Bộ Công an cử cán bộ vào làm việc, thấy oan sai nên yêu cầu thả. Ngày 25/11/1978, ông Tấn được Ty Công an tỉnh Hậu Giang ra quyết định trả tự do vì “không có hành vi phạm tội”. Ông Tấn được thả nhưng mất hết mọi quyền lợi.

Ông Tấn nghẹn ngào, đêm bị bắt, ông bị đọc quyết định khai trừ Đảng và khi thả thì “như thả con chó”. Bởi vì, theo ông, ra tù lủi thủi một mình mà không được phục hồi quyền lợi gì cả. Hơn tháng sau, sợ bị trả thù nên ông về quê sống nhờ anh em. Gia đình ông có 5 anh em, trong đó 2 người là liệt sỹ, 3 người là thương binh. Sau này, mẹ của ông được phong tặng Bà mẹ VNAH, ông được trợ cấp thương binh hạng 4/4. Dăm năm nay, nhờ đồng đội cũ giúp đỡ, ông được hưởng thêm trợ cấp người có công với nước, một tháng 1,5 triệu đồng.

Cán bộ Cơ quan CSĐT Công an thành phố Cần Thơ lục hồ sơ lưu trữ, thấy đơn khiếu nại đòi phục hồi quyền lợi vật chất và tinh thần của ông Tấn, năm 1979. Ông lại nghẹn ngào, gửi đơn khiếu nại nhưng chờ mãi không ai trả lời. Ở quê, ông lấy vợ, sinh 4 người con, làm ăn vất vả. “Nay con cái đã ra riêng, nhà nước có chủ trương giải quyết oan sai nên tôi khiếu nại đòi quyền lợi”, ông nói.

Oan sai

Ông Nguyễn Văn Nhường, Phó trưởng Công an thành phố Cần Thơ lúc đó, nay nghỉ hưu ở phường Hưng Phú (Cái Răng, Cần Thơ) kể lại chi tiết vụ bắt oan. Ông Nhường nói, sau vụ ám sát, đồng chí Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng Công an thành phố, nắm tin từ đâu không biết, ra lệnh bắt giam 3 người: Tấn, Sơn, Dời. Bộ Công an có cử người xuống Công an Hậu Giang cũ tiến hành thẩm tra xác minh tình tiết thời gian, không gian vụ bắn chết Hai Thông thì Tấn ở đơn vị, không vắng mặt, không có liên quan đến vụ bắn chết. Cho nên, cán bộ của Bộ cử xuống cùng tỉnh Hậu Giang cũ kết luận: Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng Công an thành phố ra lệnh bắt oan sai. Nhưng khi anh Tấn được thả ra, đồng chí Nguyễn Tấn Lộc không nhận trở lại đơn vị và phục hồi quyền lợi chính trị từ đó cho đến nay”.

Cán bộ xã Liêu Tú cho biết, 37 năm qua, ông Tấn làm ruộng và nhiều năm là nông dân sản xuất giỏi, được UBND tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ông Tấn có 8 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Liêu Tú.