Dự và chủ trì hội nghị gồm có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 31, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM nêu rõ, mục tiêu của nghị quyết là đến năm 2030, TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng. Thành phố đạt mức tăng trưởng bình quân 8 - 8,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 14.500 USD, kinh tế số đóng góp 40% vào giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Đến năm 2045, TPHCM phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng sống cao. Thành phố là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, đồng thời đóng vai trò là cực tăng trưởng của cả nước, thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị đề ra 6 nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TPHCM, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Trao đổi tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, trước Nghị quyết 31, Bộ Chính trị đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng để tạo tiền đề phát triển cho TPHCM, đó là Nghị quyết số 01 năm 1982, Nghị quyết số 20 năm 2002 và Nghị quyết số 16 năm 2012. Qua 40 năm thực hiện 3 nghị quyết của Bộ Chính trị, vai trò, tầm vóc của thành phố ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện để đưa nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống vẫn tồn tại những hạn chế mà Bộ Chính trị đã chỉ rõ qua sơ kết, tổng kết. Theo đó, nguyên nhân cơ bản là do năng lực lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, quản lý điều hành của chính quyền thành phố chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương với TPHCM chưa tích cực, hiệu quả. Vì vậy, với Nghị quyết 31 lần này, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ mong muốn cần đi sâu những nội dung chính để vượt qua những tồn tại, yếu kém, hạn chế.