Thưởng Tết giáo viên: Nơi nghìn đô, nơi chỉ tờ lịch

Cùng làm một công việc “gõ đầu trẻ” nhưng giáo viên tại các trường công lập và trường tư đã có sự khác nhau về thu nhập, còn đối với các trường quốc tế lại còn chênh lệch lớn hơn rất nhiều. Thế nên cuối năm xuân đến tết về mới có cảnh bi hài “kẻ cười, người khóc” vì thưởng tết.
ảnh minh họa

Mơ được thưởng vài trăm nghìn

Chuyện giáo viên không có thưởng Tết hay lương tháng 13 là chuyện “xưa như trái đất” bấy lâu nay. Càng gần Tết, trong khi người người ở các lĩnh vực khác lại rộn ràng công bố chuyện thưởng Tết thì các thầy cô giáo lại ngậm ngùi tủi thân. Tuy nhiên, những năm gần đây tại nhiều trường, một số địa phương thực hiện tốt về tự chủ một phần tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ để có được khoản thu nhập tăng thêm cho giáo viên và được ngầm hiểu là thưởng Tết. Theo đó, lãnh đạo trường nào có tài “khéo léo” trong cân đối thu chi cộng thì khoản dư cuối năm khá thì chia cho giáo viên, nhân viên cao. Ngoài khoản kết dư từ ngân sách mỗi năm, trường nào có nhiều nguồn thu phụ từ cho thuê cơ sở vật chất, căntin, bãi xe… thì cuối năm giáo viên được thưởng nhiều hơn.

Tại TP.HCM và một số địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhờ cân đối thu chi từ ngân sách mà giáo viên cũng được thưởng tầm vài triệu đồng. Thậm chí như tại TP.HCM, có những trường giáo viên được nhận không dưới 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, thành phố còn chi ngân sách để hỗ trợ cho giáo viên dịp Tết 1,2 triệu đồng.

Tuy nhiên không phải địa phương nào giáo viên cũng được hưởng niềm vui nhờ những khoản thưởng cuối năm. Cô Ngọc Hân, giáo viên ở Bình Dương chia sẻ rằng “cuối năm nhận được khen thưởng năm học trước cộng thêm những khoản lặt vặt của học kỳ vừa qua được hơn 1 triệu đồng, cộng thêm hỗ trợ của tỉnh 1 triệu đồng nữa thành ra Tết chỉ được hơn 2 triệu đồng. Như vậy, cuối năm được nhận lương tháng 1 và được ứng trước lương tháng 2 nữa cộng lại tất cả chỉ được 10 triệu đồng. Tưởng được lãnh nhiều vậy nhưng không dám chi tiêu nhiều vì nếu mua sắm tết lỡ có “quá tay” thì tháng sau sẽ đói”.

Ở vùng sâu, giáo viên chỉ mong thưởng tết vài trăm nghìn (ảnh minh họa)

Trong khi đó, cô Hồng Hạnh, giáo viên ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) tâm sự: “Nhìn sang đồng nghiệp ở TP.HCM nhận thưởng thấy mà ham trong khi mình làm cả năm trời nhận được tất tần tật chỉ 800.000 đồng cho cuối năm. Bao nhiêu đó thì chỉ đủ sắm cho con vài bộ đồ mới cộng thêm một ít bánh mứt cho gọi là Tết”.

Thực tế thì những giáo viên này còn khá hơn các đồng nghiệp ở các tỉnh khác. Một số trường ở địa bàn vùng sâu, xa thì chẳng ai thèm đến thầu bãi giữ xe hay căn tin nên chẳng có nguồn nào dư ra thêm để chia cho giáo viên. Thậm chí nói như thầy Thành, giáo viên ở Nam Định thì “đi dạy mười mấy năm rồi chưa biết tiền triệu thưởng vào cuối năm là gì. Năm nay mong có thưởng 100.000 đồng là giáo viên trường mừng lắm rồi”.

Không chỉ vậy, tại nhiều trường ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An…, mức thưởng của giáo viên không khá hơn năm trước khi chỉ là tờ lịch, cân đường, gói mì chính. Thế nên chuyện thưởng tết với những “người lái đò” ở những nơi này không phải là đề tài “nóng” để mọi người bàn tán.

Giáo viên trường tư, trường quốc tế thưởng vài triệu là thường

Trong khi đó, vào cuối năm các trường ngoài công lập, những trường quốc tế đều có những khoảng thưởng hậu hĩnh cho giáo viên, nhân viên của mình. Lãnh đạo một trường THPT tư thục ở quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết mức thưởng của trường dành cho giáo viên thấp nhất cũng 5,6 triệu đồng, còn với người có đóng góp và thâm niên thì cao nhất cũng tới 25 triệu đồng.

Đối với khối trường tư thục, năm nào “làm ăn” tốt thì thu nhập của cán bộ, giáo viên cũng được tăng hơn là chuyện đương nhiên. “Đối với trường tư, giữ chân người đã cống hiến tốt cho trường không bằng cách nào tốt hơn là thưởng cao cũng là đáp lại tương xứng với công sức lao động đã bỏ ra trong năm qua của họ”, vị chủ một trường tư thục cho biết.

Trong khi đó, đối với các trường quốc tế ở TP.HCM, thu nhập hàng tháng của đội ngũ giáo viên vốn đã cao hơn đồng nghiệp ở các trường công lập. Hơn thế, cuối năm đội ngũ giáo viên, nhân viên đều được hưởng lương thứ 13 là điều rất bình thường. Tùy vào sự cống hiến của từng người mà khoản thưởng cuối năm thấp nhất cũng 5 triệu đồng và cao nhất có khi lên đến vài ba chục triệu đồng.

Một giáo viên dạy ở trường quốc tế U cho biết năm nay mức thưởng của trường dao động từ 300 USD đến hơn 1.000 USD tùy vào trình độ, cấp bậc và đóng góp của mỗi người. Tương tự, ở trường quốc tế A, lương thứ 13 của giáo viên nhận được trung bình cũng hơn 10 triệu đồng/người.

Cùng một công việc nhưng kết quả thưởng cuối năm ở trường quốc tế sẽ khiến các giáo viên vùng cao, vùng sâu có phần chạnh lòng. Dù vậy, thưởng Tết có như thế nào thì họ vẫn nhiệt tâm trên bục giảng để cống hiến công sức, nhiệt tâm với những thế hệ học trò. Có chăng mong rằng sẽ có lúc sự chênh lệch này sẽ được rút ngắn hơn để những "kĩ sư tâm hồn" ấy sẽ được ấm lòng khi tết đến.

Theo Theo Dân trí