Mưa lũ và hậu quả của nó quá quen thuộc với những địa bàn Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam). Quen thuộc như cái tên Thủy điện Sông Tranh khiến báo chí tốn nhiều giấy mực khi liên quan tới những cơn địa chấn gây nứt đập (Sông Tranh 2). Những ngày gần đây, nhiều người “soi” bản đồ vệ tinh để so sánh những vạt rừng miền Trung, Tây Nguyên trọc cỡ nào. Ước gì, công nghệ mới có thể soi rõ nét được gỗ của những ngọn núi, đồi trọc ấy đã biến thành nội thất công sở nào, quan chức cấp vụ gì… Đằng sau những lưỡi cưa lâm tặc phải có bàn tay điều khiển của ai đó chứ. Quản lý rừng phải ứng dụng công nghệ cao, như vệ tinh mới mong kiểm đếm từng cánh rừng.
Khởi đầu năm nay, thời tiết cực đoan đã mở màn bằng những trận mưa đá, tiếp đến dịch bệnh... Biến đổi khí hậu gây thiên tai, dịch COVID đã tạo nên cuộc khủng hoảng lớn toàn cầu, mặc cho các cường quốc đến kỳ tranh cử chiếc ghế người đứng đầu quốc gia. Mọi sự tranh cãi, toan tính của loài người dường như đang diễn ra dưới bầu trời với mây đen vần vũ. Sự cực đoan của thời tiết không chỉ đến từ những cánh rừng bị tàn phá, mà cả lượng khí phát thải lớn của những cường quốc không bao giờ muốn giảm. Rừng ở châu Á nghèo, nhưng lưỡi cưa đã thò tới châu Phi, tới tận rừng nguyên sinh nơi các bộ lạc khu vực Amazon (Nam Mỹ) sinh sống… Đó thực sự là một cuộc chiến giữa kẻ mạnh và người yếu. Tuy nhiên, kẻ mạnh tàn phá, chỉ làm mẹ thiên nhiên thêm nổi giận.
Cô bé Greta Thunberg (Thụy Điển), 16 tuổi, người mắc bệnh rối loạn phát triển cũng đã nổi giận. Greta Thunberg đã tạo nên “Ngày thứ 6 vì tương lai” khi phát động trên mạng xã hội phong trào “Nghỉ học vì khí hậu”. Greta đã tổ chức biểu tình vì khí hậu bên ngoài quốc hội Thụy Điển để yêu cầu chính phủ cắt giảm 15% lượng khí thải mỗi năm. Cô trở thành nhân vật của năm, truyền cảm hứng trên toàn thế giới và được nhiều nhân vật ảnh hưởng tiếp kiến. Hàng triệu người trên 161 quốc gia đã hưởng ứng lời kêu gọi của cô gái này.
Khi các cường quốc đắn đo giảm lượng khí thải vì lợi ích quốc gia, COVID xuất hiện. Thống kê cho thấy, khủng hoảng bệnh dịch hiện nay ở châu Âu, Mỹ… giúp lượng khí thải toàn cầu giảm sâu. Thật đáng buồn, nếu như vài năm trước, các nước lớn ngồi với nhau mặc cả từng chút về việc giảm bao nhiêu phần trăm; sang năm 2020, COVID 19 xóa cả “bàn cờ”.
Câu chuyện đối mặt với thiên tai khốc liệt sẽ là cuộc chiến chung của loài người. May sao, dù khốn cùng thế nào đi nữa, luôn có sự kỳ diệu đến với con người để không ai phải thường xuyên gục dưới chân đức Phật, Chúa hay thánh Ala than khóc. Thức tỉnh cũng là một kỳ diệu!