Bí ẩn sâm Ngọc Linh 'Tổ'
Cây sâm 7 nhánh được ông Hồ Kim Lĩnh đang trồng và bảo vệ nghiêm ngặt trong vườn sâm rộng hơn 1,5 ha của mình tại thôn 3, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Đây là cây sâm Ngọc Linh tổ hiện vẫn phát triển và cho hạt mỗi năm.
“Mỗi năm tôi thu hái hơn 1.000 hạt giống từ cây sâm này. Đến nay, tôi đã có hơn 18.000 cây sâm con trồng trong khu vườn rộng hơn 1,5 ha. Vì vậy nên tôi mới đặt cho cây sâm 7 nhánh của mình là cây sâm Tổ”, ông Hồ Văn Lĩnh kể.
Đưa tay chỉ cây sâm cổ trong khu vườn sâm rộng hơn 1,5 ha mọc ken dày những cây sâm lớn nhỏ được chia ra từng khoanh nhỏ nằm dưới tán cây giữa rừng già, ông Lĩnh đoán chắc, đến thời điểm này, tại vùng rừng núi Ngọc Linh không có bất kỳ cây sâm nào có đến 7 nhánh, mỗi năm cho hơn 1.000 hạt giống như vậy. Nếu đào gốc sâm này đem cân phải nặng hơn 1,3 kg và có tuổi đời hàng trăm năm.
Hỏi về nguồn gốc của cây sâm Ngọc Linh Tổ, ông Lĩnh bảo cách đây hơn 20 năm trong một lần lên khu vực rừng thôn 3 xã Trà Linh đã may mắn phát hiện cây sâm Ngọc Linh quý hiếm có 5 nhánh.
Không như những người khác trong làng khi phát hiện cây sâm tự nhiên là nhổ đem bán lấy tiền, ông đánh dấu bảo vệ để lấy hạt giống mỗi năm.
Một thời gian sau, thấy mọi người đổ về vùng núi Ngọc Linh để săn tìm sâm tự nhiên, sợ bị mất nên ông Lĩnh đã làm lễ cúng thần rừng và xin đưa cây sâm cổ về trồng trong vườn sâm của mình.
Câu chuyện về cây sâm Tổ Ngọc Linh 7 nhánh cực kỳ quý hiếm có một không hai hiện còn tồn tại như một báu vật của núi rừng Ngọc Linh, ông Lĩnh cho hay đã có nhiều người từ các nơi tìm đến hỏi mua với giá hơn 30.000 USD, nhưng ông vẫn lắc đầu từ chối.
“Thấy tiền trăm triệu ai không ham, nhưng từng đêm tôi nằm gác tay lên trán suy nghĩ, nếu đem cây sâm tổ bán đi được mấy tiền cũng tiêu hết nên quyết định giữ lại cho cháu con sau này làm giống. Nhờ đó mà tôi có cả vườn sâm rộng lớn, giúp gia đình có của ăn của để”- ông Lĩnh tâm sự.
Vườn sâm 3 triệu USD
Những cây sâm Ngọc Linh quý hiếm trong tự nhiên gần như bị tuyệt diệt sau hơn 30 năm bị con người săn tìm. Tuy nhiên, giờ nhiều “cụ” sâm trăm tuổi vẫn tồn tại trong các vườn nhà của người dân vùng rừng núi Ngọc Linh.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu kể, từ hôm cha con ông Hồ Văn Hạnh (50 tuổi) trú tại làng Tu Ton, thôn 4 xã Trà Linh, huyện Nam Trà My đào được củ sâm “khủng” hơn 100 tuổi, nặng gần 1 kg, bán được hơn 250 triệu đồng khiến ông nhiều đêm mất ngủ vì lo sợ một ngày nguồn gien tự nhiên của giống sâm quý hiếm này mai một.
Ngay trong khu vườn sâm của gia đình ông Hồ Kim Lĩnh ở thôn 3 Trà Linh rộng hơn 1,5 ha, ngoài cây sâm cổ, còn hàng chục nghìn gốc sâm Ngọc Linh có tuổi đời từ 1 đến 20 năm tuổi. Trị giá vườn sâm của ông Lĩnh, theo ông Bửu, vào khoảng 65-70 tỷ đồng (khoảng 3 triệu USD). Nhưng ông Lĩnh chỉ có trồng thêm chứ không chịu bán.
Ngoài ra, chỉ tính tại thôn 3 Trà Linh hiện có hơn 50 vườn sâm Ngọc Linh có tuổi từ 1 đến 25 năm. Bình quân mỗi vườn có hàng chục nghìn gốc sâm các loại. Đây là cây sâm được nhân giống từ cây sâm Tổ và một số được nhổ từ trên núi đem về trồng và nhân giống tại vườn nhà. Giá trị mỗi vườn sâm là khoảng 60 tỷ đồng.
“Nếu có chính sách đầu tư cho người dân phát triển trồng cây sâm Ngọc Linh, thì tương lai không xa người dân Ngọc Linh sẽ giàu lên và sâm mới chính là cây chiến lược không chỉ cho Trà My mà cho cả Quảng Nam và cả nước”, ông Bửu nói.