Sáng 10/12, thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ.
Quy hoạch phải tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch phải đi trước một bước, phải có tư duy đột phá, có tầm nhìn chiến lược, liên thông giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh/thành phố.
Theo Thủ tướng, với hơn 100 quy hoạch phải thực hiện, đến nay, đã cơ bản được thông qua hoặc đang được phê duyệt, thẩm định. Cố gắng trong năm 2023 sẽ cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch, gồm quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh/thành.
“Công tác quy hoạch phải giải quyết được 2 vấn đề lớn. Một là phát hiện, tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, của vùng, của tỉnh để phát huy. Hai là tìm ra, nhận biết được khó khăn, thách thức, hạn chế yếu kém để có những giải pháp hoá giải”, Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh quan điểm thực hiện "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; càng áp lực thì càng phải nỗ lực".
Thủ tướng cũng cho rằng, xây dựng quy hoạch là một bước, còn việc thực hiện quy hoạch để tạo ra tiền bạc, của cải vật chất mới là quan trọng.
“Có quy hoạch rồi mà không làm được thì rất dở. Muốn làm được thì phải trăn trở, lăn lộn tìm nguồn lực để thực hiện. Nguồn lực của chúng ta phải dựa vào 3 trụ cột chính là nguồn lực con người, nguồn lực thiên nhiên, nguồn lực về văn hoá truyền thống lịch sử”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, 3 trụ cột này là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định, nhưng cũng không thể thiếu nguồn lực bên ngoài, đóng vai trò thường xuyên, đột phá, gồm: vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nguồn lực, hoàn thiện thể chế…
"Hai nguồn lực này có mối quan hệ với nhau. Một cái là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định. Chúng ta phải đi lên từ khung trời, cửa biển, bàn tay, khối óc và mảnh đất của mình; tự lực tự cường, lấy sức mạnh nội sinh là chính. Tất nhiên không thể thiếu sức mạnh từ bên ngoài từ các nhà đầu tư, từ bạn bè quốc tế…", Thủ tướng nói.
Vùng sông nước mà không phát huy vận tải thuỷ thì "phải suy nghĩ rất nhiều"
Với vùng ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng, quy hoạch vùng đã được phê duyệt từ năm ngoái. Quy hoạch nêu, đây là vùng có tiềm năng khác biệt, vùng sông nước, đồng bằng trù phú, có truyền thống anh hùng cách mạng; là vựa lúa, vựa trái cây, thuỷ hải sản; có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản...
Nhưng, vùng ĐBSCL cũng đối diện nhiều khó khăn về hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng về giao thông vận tải, hạ tầng khu công nghiệp, văn hoá xã hội... Vùng cũng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn. Những vấn đề này, theo Thủ tướng, không thể giải quyết một sớm một chiều.
Thủ tướng nhấn mạnh, vùng ĐBSCL có 3 việc rất lớn cần giải quyết: hạ tầng chiến lược, chống biến đổi khí hậu, nguồn nhân lực. Trong quy hoạch đã có các dự án, chương trình cụ thể. Riêng về hạ tầng giao thông, theo Thủ tướng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc Bắc - Nam đến Cà Mau.
"Hôm qua tôi làm việc với tỉnh Cà Mau, yêu cầu làm tiếp 70km đường cao tốc đến tận mũi Cà Mau. Nhiều đoạn, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam sẽ khánh thành cuối năm nay. Đến 2025 cơ bản hoàn thành đến Cà Mau. Còn tuyến cao tốc Đông - Tây, từ Sóc Trăng lên An Giang, kết nối với Campuchia phải dứt khoát hoàn thành trong nhiệm kỳ này", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng cũng nói, cần nâng cấp, tái cấu trúc quản trị, đầu tư cảng Cái Cui; nghiên cứu Cảng Trần Đề, Hòn Khoai; đường sắt cao tốc từ TPHCM xuống Cần Thơ; nghiên cứu củng cố, nâng cấp sân bay, hạ tầng liên quan hàng không.
"Phải có hệ thống cảng thuỷ nội địa. Một khu vực sông nước mà không phát huy được thì phải suy nghĩ rất nhiều. Rồi hạ tầng văn hoá xã hội, muốn phát triển nguồn nhân lực thì phải phát triển giáo dục, y tế, văn hoá...", Thủ tướng nói thêm.
Cần Thơ không được trông chờ, ỷ lại
Nhấn mạnh Cần Thơ nằm trong khu vực ĐBSCL, phải thực hiện các nhiệm vụ trong quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Thành phố cần bám vào các Nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để cụ thể hoá các chương trình, dự án thực hiện.
Thủ tướng cho rằng, chủ trương, đường lối đã có, thành phố cần xác định phải tự lực tự cường, vươn lên từ nguồn lực nội sinh của chính thành phố, không được trông chờ, ỷ lại, bởi nhiều địa phương khác còn rất khó khăn, trong khi Cần Thơ là trung tâm của vùng, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.
"Nội lực ở đây là bằng bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa biển của mình để đi lên thôi. Trông chờ vào ai được nữa. Phải bằng nguồn lực từ con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử; bằng trí tuệ, đổi mới sáng tạo. Cần Thơ cần tập trung vào những ngành mới nổi như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế trí thức để làm động lực chính", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nguồn lực cũng đến từ việc phát huy hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối các tỉnh thành để tạo ra không gian phát triển mới, tạo khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ mới. Cần phát triển giao thông để nâng cao giá trị gia tăng của đất, tạo động lực phát triển mới, giảm chi phí logistics để tăng mức cạnh tranh của hàng hoá.
Cùng với đó, theo Thủ tướng, cần hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Nguồn lực của đất nước có hạn, nên cần huy động nguồn lực từ tư nhân tham gia cùng. Để làm được điều đó, cần có môi trường đầu tư tốt, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, thu hút đầu tư từ bên ngoài...
Theo quy hoạch, đến năm 2030, TP. Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ĐBSCL.
Cần Thơ sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.
Đến năm 2050, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.