Hành động này nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội – nơi nhiều người chỉ trích Thủ tướng Úc từ nhiều góc độ.
Một số người cho rằng, Thủ tướng Turnbull keo kiệt. Ông là một người giàu có và tờ tiền 5 đô la Úc được rút ra từ một tập tiền. Phiên bản Úc của tờ Daily Mail miêu tả ông là “lão hà tiện”. Không chỉ là chuyện cho ít hay cho nhiều, việc Thủ tướng Úc cho ăn mày tiền cũng bị chỉ trích. Thị trưởng Melbourne, ông Robert Doyle, cho rằng, cho ăn xin tiền là tiếp tay cho tệ nạn sử dụng ma túy và tình trạng đói nghèo (khiến người nghèo có tâm lý dựa dẫm, không nỗ lực vươn lên).
Thị trưởng Doyle nói rằng, thay vì trực tiếp cho tiền hành khất, Thủ tướng Turnbull nên đưa tiền cho tổ chức từ thiện. Ngoài ra, nhiều người nghi ngờ rằng, Thủ tướng Úc cố tình cho tiền kẻ nghèo khó trên đường phố để thể hiện lòng thương người, sự hào phóng của mình trước ống kính camera.
Tuy nhiên, Thủ tướng Turnbull cũng nhận được không ít sự ủng hộ. “Các bạn nhìn thấy một người có thể cho nhiều tiền hơn. Tôi nhìn thấy một người đã cho tiền”, một người dùng Twitter viết.
Ông Turnbull, từng là lãnh đạo ngân hàng đầu tư, đối mặt nhiều thách thức từ khi ông tiếp tục nắm giữ quyền lực sau khi giành chiến thắng chật vật trong đợt bầu cử hồi tháng Bảy. Hôm qua, ông phản ứng lại vụ việc cho ăn mày tiền. “Tôi cảm thấy người đàn ông đó đáng thương. Đó là một phản ứng rất con người. Tôi xin lỗi nếu điều đó khiến một số người thất vọng”, ông nói với đài phát thanh 3AW của Melbourne.
Thủ tướng Úc không phải là chính khách đầu tiên phải trả giá cho việc cho tiền người nghèo. Cựu lãnh đạo Công đảng Anh Ed Miliband bị chỉ trích khi cho một phụ nữ vô gia cư 2 xu (6.000 đồng) hồi năm 2014. Hai năm sau, ông bị quay phim đang lật đật tìm kiếm ATM để cho một người đàn ông vô gia cư 10 bảng Anh (gần 300.000 đồng).