Chiều 17/3, Thủ tướng chủ trì cuộc gặp mặt và tuyên dương các tập thể, cá nhân trong đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử một lực lượng lớn gồm 76 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Quốc phòng và 24 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Công an tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ ở một nơi xa bên ngoài lãnh thổ.
Trong quá trình cứu nạn, cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác đã kịp thời xác định nhiều điểm có người bị mắc nạn, bàn giao cho chính quyền và lực lượng chức năng nước sở tại xử lý; đặc biệt đã cứu được 1 người còn sống; phối hợp tìm kiếm được nhiều thi thể.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng nhấn mạnh, việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ là biểu hiện sinh động cho chính sách đối ngoại ưu việt, thái độ cộng đồng trách nhiệm và tinh thần đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Qua đó, khẳng định uy tín, năng lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế, luôn luôn sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn, thách thức và duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì sự hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
“Qua phương tiện truyền thông, tôi còn được biết những hành động giúp đỡ các nạn nhân như sẻ chia những bữa ăn, dựng lều, nhóm bếp sưởi hay trao đi những nụ cười, những giọt nước mắt, động viên, sự thăm hỏi cởi mở, chân thành… của các đồng chí. Những kỷ niệm, hình ảnh các đồng chí thực hiện nhiệm vụ không quản ngày đêm, trong môi trường khắc nghiệt, đối mặt với hiểm nguy từ các đợt rung chấn sẽ khắc sâu trong tâm trí các đồng chí, tâm trí người dân Thổ Nhĩ Kỳ và nhân lên niềm tự hào là người dân Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ.
Nhấn mạnh thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng diễn biến cực đoan, phức tạp, khó lường, Thủ tướng lưu ý, cần xác định công tác cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa thiên tai đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân; là nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống phòng thủ dân sự quốc gia.
Việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đối với công tác này là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, do vậy Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành khác có liên quan khẩn trương tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là đối với công tác cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.