Mở đường cho phát triển
Ngay ngày đầu năm mới 2024 (ngày 1/1), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 01/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương, nhà thầu tiếp tục phát huy trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình hạ tầng giao thông. Đây là công điện đầu tiên của Thủ tướng trong năm nay, được ký ngay ngày đầu năm mới (ngày nghỉ Tết Dương lịch). Điều này cho thấy sự quan tâm, sát sao, kỳ vọng của Chính phủ vào tạo đột phá hạ tầng giao thông, tiếp nối thành quả đạt được năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Trong công điện, Thủ tướng nêu rõ, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu, năm 2025 cả nước có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, đến năm 2030 tăng lên khoảng 5.000km.
Giai đoạn 2021-2025, Nhà nước tập trung tối đa nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông, với số vốn đầu tư gấp 3 lần giai đoạn 2016-2020. Thời gian qua, các bộ ngành đã quyết liệt triển khai, riêng năm 2023 đưa vào khai thác 20 dự án giao thông. Trong đó, có 9 dự án đường bộ cao tốc, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác cả nước lên gần 1.900km, riêng từ đầu nhiệm kỳ tới nay gần 730km (bên cạnh còn hơn 1.700km cao tốc đang thi công).
Thủ tướng dẫn thực tế, ngay trong những ngày nghỉ Tết dương lịch 2024, trên các công trình giao thông trọng điểm khắp cả nước vẫn hoạt động, với tinh thần: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”; “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp”; làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án.
“Tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”; “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp”; làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Từ đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, nhà thầu, người lao động trên các công trường tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, kịp thời khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Bên cạnh đó, các cấp ngành cũng cần sớm hoàn thành thủ tục, khởi công thêm các dự án giao thông mới theo kế hoạch đề ra. Trong đó, các chủ thể liên quan được yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt bằng; nguồn cung vật liệu xây dựng (cát, đất đắp nền), quản lý và công bố giá; thủ tục đấu thầu chọn nhà thầu; nguồn vốn, thủ tục triển khai dự án…
Khẳng định tầm vóc đất nước
Nhìn lại kết quả về đầu tư hạ tầng giao thông năm 2023, ngành GTVT được giao nhiều nhiệm vụ nặng nề, đặc biệt là đầu tư công, với số vốn lớn nhất từ trước tới nay (gần 114.000 tỷ đồng). Với sự sát sao, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, địa phương, Bộ GTVT cũng phân công các thứ trưởng phụ trách từng dự án cụ thể, thường xuyên kiểm tra hiện trường để chỉ đạo thực hiện. Kết quả, đầu năm khởi công 12 dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, một số cao tốc liên vùng, nhà ga sân bay lớn. Trong năm đã khánh thành đưa vào sử dụng loạt dự án, trong đó có 9 dự án đường bộ cao tốc, hoàn thành mở rộng 2 sân bay. Số vốn đầu tư công giải ngân của Bộ GTVT đạt trên 95%.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành GTVT, Thủ tướng cho rằng, kết quả trên rất cụ thể và rõ ràng. Thủ tướng dẫn các ví dụ thực tế triển khai các dự án cho thấy, với sự sát sao, sát thực tiễn, nỗ lực, quyết tâm, linh hoạt có thể giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, đưa dự án về đích đúng hẹn. Có thể kể ra như Dự án cầu Mỹ Thuận 2, đầu năm 2023 mặt bằng phía Tiền Giang còn chưa giải phóng được, nhưng cuối năm vẫn hoàn thành đưa vào khai thác và do người Việt thực hiện toàn bộ (từ nguồn vốn tới thiết kế, thi công). Hay khó khăn trong nguồn cung vật liệu thông thường như đất, cát cho các dự án cao tốc, do luật quy định việc cấp phép khai thác như mỏ vàng, mỏ sắt, đồng, nếu không kịp thời tháo gỡ, không linh hoạt sẽ không ai dám làm, vì làm sẽ trái luật. Hay việc phân cấp công trình giao thông trọng điểm cho địa phương làm chủ đầu tư, cũng phải xin cơ chế đặc thù mới làm được do chưa có quy định, địa phương được giao lúc đầu chưa tự tin, nhưng mạnh dạn nhận làm, chủ động lo kinh phí giải phóng mặt bằng, tới nay kết quả đều rất tốt.
Với “siêu” dự án sân bay Long Thành, Tết năm 2021-2022, Thủ tướng trực tiếp vào kiểm tra công trường và “thấy rất buồn”, vì mọi việc không có tiến triển, thậm chí con dấu của Ban quản lý dự án chưa có. Tháng 8/2023 mới chọn được nhà thầu thi công nhà ga, quá trình đấu thầu cũng xảy ra khiếu nại, tới nay tiến độ rất tốt. Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, sân bay Long Thành là dự án rất lớn mang tính biểu tượng của đất nước, nên cần tập trung kiểm soát tiến độ, chất lượng, chống tiêu cực, lãng phí. Dự án này không chỉ thể hiện tiềm lực, uy tín đất nước, còn thể hiện tiến bộ trong công tác quản lý, điều hành.
Năm 2024, Bộ GTVT dự kiến đưa 23 dự án giao thông về đích, đưa vào khai thác, trong đó có 2 đoạn còn lại của cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo); một số tuyến tránh, nâng cấp quốc lộ, đường sắt…
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024, toàn ngành sẽ triển khai khẩn trương các nhiệm vụ ngay từ ngày đầu năm. Toàn ngành sẽ nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, vướng mắc ở đâu gỡ ở đó, không né tránh, đùn đẩy, để đưa các công trình giao thông về đích đúng, thậm chí trước thời hạn, đảm bảo chất lượng.
Năm 2024, Bộ GTVT dự kiến hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án giao thông, trong đó có cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Chợ Mới - Bắc Kạn, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; khởi công các đoạn còn lại của đường Hồ Chí Minh...; Phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; hỗ trợ địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án cao tốc phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư.