Dân không ủng hộ, khó thành công
Theo Thủ tướng, những năm qua, Ban Dân vận và các Đảng ủy đã rất nỗ lực trong công tác nắm dân, đi sát nhân dân và quản lý cán bộ, đảng viên tại các lĩnh vực nhạy cảm. “Làm gì mà không có người dân ủng hộ thì khó thành công”, Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, những sự việc vừa qua cho thấy, nếu không có sự ủng hộ của nhân dân, không có sự giám sát của cán bộ, đảng viên thì Đảng, Nhà nước khó hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thủ tướng cho biết, năm 2018 là năm Dân vận chính quyền, một lĩnh vực quan trọng. Do đó, “về phía Chính phủ, sẽ làm hết sức mình để phối hợp với các cơ quan của Đảng, đặc biệt với Ban Dân vận Trung ương, cả hệ thống chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, đều phối hợp với Ban Dân vận làm tốt công tác dân vận chính quyền mà chúng ta đã ký kết dịp vừa qua”, Thủ tướng nói. Đối với các Đảng ủy khối, đặc biệt là Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đề nghị cần phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước để thực hiện quản lý vốn hiệu quả, trong đó quản lý chính cán bộ đảng viên trong cơ quan này.
Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng trong việc tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, đổi mới hoạt động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao mà Đảng đặt ra, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định tiếp tục tăng cường quan hệ công tác giữa Ban Dân vận Trung ương với Ban Cán sự Đảng Chính phủ để cùng thực hiện trọng trách, mục tiêu chung.
Chăm lo bữa ăn, phát triển tay nghề công nhân
Trò chuyện với nhân viên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng vui mừng cho biết đang có một khí thế mới của công nhân lao động cả nước, nhất là tại các nhà máy, xí nghiệp có lao động trực tiếp đã đi vào sản xuất ngay từ đầu năm.Thủ tướng nhắc lại ấn tượng về các cuộc đối thoại rất thành công giữa Thủ tướng với giai cấp công nhân tại phía Nam và miền Trung vào các năm 2016 và 2017. Qua các cuộc đối thoại đó, Thủ tướng đã lắng nghe các đề xuất của công nhân về các thiết chế văn hóa, nhà ở, nhà trẻ, căng tin, thẻ đoàn viên giảm giá cho công nhân. Đến nay, một số thiết chế đã được hình thành, bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho công nhân lao động, nhiều mái ấm công đoàn đã đến với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân. “Qua Tết vừa rồi chúng ta thấy tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc rượu trong một số cơ quan đơn vị, bếp ăn tập thể vẫn xảy ra. Thứ hai là tình trạng gần đây tai nạn lao động vẫn diễn ra. Tôi đề nghị phải thúc đẩy làm tốt hơn việc này để tránh thương tích cho người lao động”, Thủ tướng nói. Thủ tướng yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng các thiết chế công đoàn cho công nhân. Chính phủ và các cấp chính quyền luôn bên cạnh phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để các nghị quyết liên tịch cấp Trung ương và địa phương đều được triển khai, đi vào cuộc sống, phục vụ và bảo vệ giai cấp công nhân Việt Nam.
Cho biết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết cấp Bộ trưởng, các nước gần như đã đồng thuận và trong nội dung đàm phán có vấn đề lao động công đoàn, Thủ tướng mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có phương án chủ động, hỗ trợ công nhân lao động rèn luyện nâng cao trình độ, tay nghề. Cùng với đó là đề xuất thể chế pháp luật phù hợp để bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân trong bối cảnh có sự cạnh tranh.
Cùng ngày, đến thăm, làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đến nay mặt bằng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản được bàn giao, hạ tầng giao thông, điện nước, vận tải đã được thiết lập. Theo Thủ tướng, để phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời cụ thể hóa cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu vào khu công nghệ cao. Đây là điều quan trọng để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội để xử lý cho khu công nghệ cao. Trước mắt, Hà Nội ứng trước vốn để giải phóng dứt điểm mặt bằng. Thủ tướng yêu cầu Ban quản lý khu công nghệ cao phải tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư để đây thực sự là nơi khởi nghiệp tốt nhất cho công nghệ cao. “Có vấn đề gì vướng mắc thì các đồng chí phải chủ trì họp xử lý không để văn bản giấy tờ qua lại, mất thời gian”, Thủ tướng nói.