Chiều 12/4, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo TPHCM. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nhận xét giao thông đang là điểm nghẽn rất lớn của TPHCM và nếu không nhanh chóng giải quyết, tốc độ tăng trưởng của đầu tàu kinh tế cả nước sẽ ngày càng chậm dần.
Theo ông Thể, 85% địa bàn TPHCM là đô thị hóa nên thành phố đã hết động lực. Nếu muốn phát triển, thành phố phải có đường vành đai, đường hướng tâm để kết nối các khu đô thị vệ tinh.
TPHCM có 5 tuyến quốc lộ, gồm QL 1, QL 1K, QL 13, QL 22, QL 50, trong đó QL 50 hẹp nhất. Lộ giới có 5 làn xe. Các tuyến quốc lộ còn lại từ 8-12 làn xe. Tuy nhiên, quốc lộ rộng nhất hiện nay chỉ có 5 làn xe, nếu mở rộng theo lộ giới thì tốn rất nhiều chi phí giải tỏa.
Bộ trưởng GTVT cũng chỉ ra TPHCM có 6 đường cao tốc, trong đó 2 cao tốc đã đưa vào vận hành là TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và TPHCM – Trung Lương, đều quá tải. Cao tốc Bến Lức - Long Thành đến năm 2021 mới hoàn thành.
“TPHCM đông dân nhất, ùn tắc nhiều nhất, lãng phí của cải xã hội rất lớn. Chỉ có tàu điện ngầm (metro) mới giải quyết được ùn tắc. Tôi đề nghị sớm hoàn chỉnh hệ thống metro ở TPHCM. Metro chỉ phát huy tác dụng nếu khai thác đồng bộ, chỉ 1-2 tuyến thì không giải quyết đươc vấn đề”, ông Thể nhận xét.
Người đứng đầu ngành GTVT đề nghị Chính phủ ứng vốn từ ngân sách trung ương để thanh toán cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án metro bởi đây là đề xuất rất hợp lý của TPHCM. Nếu chậm sẽ ảnh hưởng môi trường đấu tư, quan hệ với đối tác Nhật Bản và giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.
“Kiến nghị các Bộ liên quan xem xét vì rất hợp lý. Nếu nguồn ngân sách khó khăn thì có thể tìm nguồn khác”, ông Thể nhấn mạnh.
Đề cập đến việc ứng vốn cho dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nguyên nhân chính là do TPHCM chưa hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư và chưa thống nhất cơ chế cấp phát cho vay lại.
“Theo Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công thì không thể ứng vốn”, ông Dũng khẳng định. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo: "Trung ương đã thống nhất điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư. Giờ chỉ điều chỉnh thôi. Nếu thủ tướng chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hướng dẫn TPHCM điều chỉnh dự án. Tôi đề nghị TPHCM sớm thống nhất cơ chế cấp phát cho vay lại. Thẩm quyền tạm ứng vốn là của thành phố. Sau này trung ương cấp phát vốn thì sẽ hoàn lại ngân sách...".
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, dự án tuyến metro số 1 đang lấn cấn về xử lý khoản tiền 17.000 tỉ đồng (tổng mức đầu tư cũ), cụ thể là cơ cấu nguồn vốn đó.
“Theo văn bản của Thủ tướng, hạ tầng xây lắp thuộc ngân sách trung ương. Còn máy móc thiết bị là vốn của thành phố. Bây giờ phải thống nhất. 47.000 tỉ thì phải tính như thế nào”, ông Tuấn băn khoăn
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, 4.800 tỷ chi phí thiết bị TPHCM đã thống nhất vay lại. Thủ tục phê duyệt 47.000 tỉ đồng mới là ngân sách trung ương.
Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, về cơ chế cấp phát cho vay lại không nên "căn ke, cò kè vì đều là ngân sách cả. Chỉ túi này, túi kia. Các bên cần cố gắng cho xong dự án".
Nghe các bên tranh luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: Vướng mắc chỉ nằm ở vấn đề thủ tục, còn tiền chúng ta không thiếu. “Văn bản đâu? Sao cứ lẩn quẩn, trong khi Bộ Chính trị đã có ý kiến giao Thủ tướng giải quyết. Chúng ta tự làm khổ nhau. Nhu cầu của người dân đang cấp thiết mà cứ nói qua nói lại”, Thủ tướng nói.