Chiều 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ - chủ trì phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Theo báo cáo, thời gian qua, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được thúc đẩy. Dự kiến kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đến hết năm 2024 còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021; tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63%.
Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong. Kết quả giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn. Từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023 cả nước tinh giản biên chế 84.140 người, trong đó ở Trung ương là 5.740 người, địa phương là 78.400 người.
Nhấn mạnh đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền; giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp.
Về xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành trước ngày 31/3. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, trong đó hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào quý III.
Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tập trung phát triển hạ tầng số, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.