Theo đó, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời diễn biến dòng chảy sông Mekong và xâm nhập mặn tại ĐBSCL, chủ động chỉ đạo, điều hành sản xuất phù hợp, hạn chế thiệt hại.
Động thái này được đưa ra sau khi có thông tin về việc đập thủy điện Cảnh Hồng trên sông Mekong ở Trung Quốc giảm lưu lượng xả nước xuống hạ du với lý do bảo dưỡng đường dây truyền tải điện…
Trước đó, Ủy hội Sông Mekong (MRC) cho hay, lưu lượng nước tại thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang giảm xuống do bảo trì lưới điện trong thời gian từ ngày 5 đến 24/1/2021, dẫn đến sự thay đổi mực nước sông dọc theo sông Mekong ở Thái Lan, Lào và Campuchia.
Theo thông báo từ Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc mà Ban Thư ký MRC nhận được vào ngày 5/1, việc “bảo trì các đường dây tải điện của lưới điện” sẽ làm giảm lượng nước chảy ra ở mức 1.000m³/s trong thời gian nói trên. Lượng nước chảy sẽ dần được khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường vào ngày 25/1. Tuy nhiên, thông báo không nói rõ mực nước sông trước khi giảm hoặc khối lượng sẽ được khôi phục vào ngày 25/1.
Dựa trên dữ liệu mực nước quan trắc của MRC tại đập Cảnh Hồng cho thấy, mực nước chảy ra bắt đầu giảm từ 1.410 m³/s vào ngày 31/12/2020 xuống 768 m³/s vào ngày 1/1/2021, giảm gần 50%. Sau đó dòng chảy tăng nhẹ lên 786 m³/s trong các ngày từ 1-4/1…
“Các hoạt động hàng hải trên sông Mekong, đặc biệt là xung quanh các khu vực gần Cảnh Hồng có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn những nơi khác trong giai đoạn này. Một số hoạt động sinh kế của địa phương như thu hoạch rong và đánh bắt cá cũng có thể bị ảnh hưởng” – đại diện Trung tâm Quản lý lũ lụt và hạn hán khu vực MRC nói và cho biết trung tâm này sẽ tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ.
MRC cho hay, theo thỏa thuận giữa Trung Quốc và MRC, Trung Quốc cam kết sẽ thông báo cho MRC và các nước thành viên (Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam – PV) về “bất kỳ sự gia tăng bất thường nào của mực nước hoặc lưu lượng và các thông tin khác về các yếu tố có thể dẫn đến lũ lụt đột ngột.”
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, việc giảm xả nước từ thủy điện Trung Quốc từ ngày 5-24/1 xuống còn khoảng 1.000m3/s được xem là kịch bản đã được lường trước. Việc này sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, thời kỳ ảnh hưởng lớn nhất đúng vào những ngày Tết Nguyên đán. Từ 8-16/2/2021, mặn 4g/l có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính và các cửa sông Cửu Long 48-70km và trên sông Vàm Cỏ 75-90km.
Dự báo mùa khô 2020-2021, nước về thấp ngay từ đầu mùa và mặn bất thường có thể xảy ra ngay từ các tháng đầu mùa và kéo dài đến tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và thời tiết cực đoan, triều cường, gió Chướng.
Các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn nặng ngay từ bây giờ như vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về.
Việc lấy và tích nước đủ muộn nhất trước ngày 7/2 sẽ có hiệu quả để hạn chế thiệt hại khi mặn cao dịp Tết. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước, điều hành sản xuất…