Thủ tướng gặp mặt các nhà khoa học “chân đất”

TP - Sáng qua, lần đầu tiên, lãnh đạo Chính phủ gặp mặt 63 nhà sáng chế không chuyên, còn gọi nhà khoa học “chân đất”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng dự.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực, sáng tạo của các nhà khoa học không chuyên. Ảnh: Đức Tám.

Khai thác tài nguyên thì cạn kiệt, khai thác trí tuệ thì giàu có

Đầu buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói vào ngày KHCN Việt Nam năm trước (18/5): “Hầu hết các tài nguyên càng khai thác, càng cạn kiệt nhưng trí tuệ, năng lực sáng tạo càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú. Mọi người dân đều có quyền tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ”.

Trong số 63 nhà sáng chế “chân đất” có mặt ở Hà Nội sáng qua, ông Đào Viết Thoàn, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình chia sẻ công trình nghiên cứu “bào chế thuốc mỡ sinh cơ chữa bỏng và vết thương lâu liền”. Xuất thân là người lính, thương binh 1/4, từng trải qua những cơn đau thấu da thịt do điều trị bỏng. Xuất ngũ ông học nghề y, tìm tòi sáng tạo từ các vị thuốc dân gian để bào chế thành công thuốc mỡ sinh cơ, điều trị cho chính mình và bà con hàng xóm. Sau 28 năm, ông đã cứu chữa cho hơn 24 nghìn người bị bỏng. Người nghèo, đối tượng chính sách, người khuyết tật, trẻ mồ côi, cháu nhỏ được ông miễn phí tiền công, tiền thuốc.

Nhỏ tuổi nhất trong số 63 nhà sáng chế là Trần Thị Lan Anh, học sinh lớp 11A6, trường THPT Tây Tiền Hải, Tiền Hải, Thái Bình, tác giả máy đánh bắt ngao. Lan Anh kể, gia đình em sống bằng nghề nuôi ngao. Trước kia, đến kỳ thu hoạch, mỗi héc-ta ngao phải thuê cả trăm công nhân, thu hoạch liên tục trong 6, 7 ngày với chi phí 60-70 triệu đồng, số lượng ngao hỏng nhiều trong quá trình thu hoạch, việc thu hoạch phụ thuộc vào mực nước cao, thấp. Nhờ thiết bị máy đánh bắt ngao do Lan Anh chế tạo mà nay, mỗi héc-ta chỉ thu hoạch trong một ngày, chi phí xăng dầu khoảng một triệu đồng, chi phí nhân công vào khoảng 6-7 triệu đồng. Sau thành công của chiếc máy đầu tiên, Lan Anh đã chế tạo khoảng 20 chiếc cho bà con làng xóm. Ý tưởng của em giành giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh toàn quốc 2014.

Bên hành lang cuộc gặp mặt sáng qua, anh Lê Tân Kỳ (Bến Tre), tác giả của sáng chế máy gọt vỏ dừa tươi tìm gặp Lan Anh. Anh Kỳ bảo quê tôi cũng có nghề thu hoạch ngao nhưng chưa có máy thu hoạch nên người dân vất vả lắm. Tôi muốn Lan Anh chuyển giao giúp cho bà con thiết bị này.

Có nhà sáng chế trong buổi gặp mặt hôm qua là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu như ông Vũ Hữu Lê (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái), tác giả của máy vò chè cải tiến, hệ thống chưng cất tinh dầu quế bằng hơi nước, máy ép sợi bán tự động, lò sấy buồng đốt hình trụ bằng thép. Sáng tạo nào của ông Lê cũng được thương mại hóa, đem lại lợi ích kinh tế xã hội, hai trong số đó được cấp bằng sáng chế độc quyền.

Nhiều gương mặt nhà sáng chế không chuyên khác, ít nhiều quen thuộc với độc giả cũng có mặt sáng qua như ông Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình), chế tạo tàu ngầm Trường Sa; anh Bùi Sỹ Tới (Yên Bái), sáng tạo máy cày trên ruộng bậc thang; ông Quách Ba (Rạch Giá, Kiên Giang), tác giả máy gặt đập liên hiệp, máy sấy tháp vĩ nghiêng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho hay, nhiều sản phẩm của các nhà khoa học không chuyên không kém nhà khoa học chuyên nghiệp. Các sáng tạo này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bên cạnh nhiều sản phẩm lớn được chế tạo bởi nhà khoa học chuyên nghiệp như giàn khoan dầu khí, vắc xin, radar, vệ tinh viễn thông. “Tôi đánh giá cao đam mê của các nhà khoa học không chuyên, dù vất vả, dù bộn bề với cuộc sống gia đình nhưng vẫn đam mê nghiên cứu. Ở đây đam mê là quan trọng nhất”, Bộ trưởng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các nhà sáng chế “chân đất”. Ảnh: Đức Tám.

Tạo nhiều điều kiện thuận lợi


Tại buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực, sáng tạo của các nhà khoa học không chuyên. Thủ tướng kể ngày tôi đi bộ đội, sống với dân, đi cắt lúa cùng dân từ sáng đến 2h chiều, thấy vất vả lắm. Tôi mong bà con tiếp tục sáng tạo để có những sản phẩm giúp sản xuất hiệu quả hơn, bà con bớt nhọc nhằn hơn. Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm muốn cạnh tranh thì chất lượng phải tốt, giá thành phải rẻ và để làm được thế phải dựa vào khoa học, sáng tạo.

“Hầu hết các tài nguyên càng khai thác, càng cạn kiệt nhưng trí tuệ, năng lực sáng tạo càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú. Mọi người dân đều có quyền tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành địa phương tham mưu, đề xuất để Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách, phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thủ tướng nói: “Tôi thấy ở đây có nghiên cứu lò đốt rác thải y tế. Đến nay tôi vẫn trăn trở về vấn đề này. Xử lý rác ở Việt Nam có thể nói chưa thành công. Vậy sáng tạo có rồi, phải nhân rộng ra, muốn thế phải quảng bá, phổ biến”.   

Thủ tướng nhấn mạnh, có nhiều chính sách hỗ trợ các nhà sáng chế nhưng nên chú ý đến vấn đề vốn, hoàn thiện ứng dụng sản phẩm, quảng bá sản phẩm, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. “Tôi đề nghị các Bộ KH&CN, Công Thương, Tài chính phải có chính sách tích cực”, Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, để tạo thuận lợi cho các nhà sáng chế không chuyên, điều lệ sáng kiến ban hành kèm Nghị định 13/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ KH&CN đã quy định về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến, trả thù lao cho tác giả sáng kiến và người áp dụng sáng kiến. Ngay buổi sáng qua, Bộ KH&CN cũng gửi các nhà khoa học “chân đất” Dự thảo Thông tư hướng dẫn các chế độ tài chính của Nghị định 13 về điều lệ sáng kiến để lấy ý kiến.