Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao cho đại diện Tập đoàn AES và Tổng Công ty Khí Việt Nam - PVGas Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và đại diện Tập đoàn Citigroup trao thỏa thuận hợp tác về ESG (môi trường, xã hội và quản trị), hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin nhằm thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0 của Việt Nam thông qua: thị trường các-bon, tài chính kết hợp, phân loại và đa dạng sinh học, và khuôn khổ pháp lý.
Đại diện Cơ quan phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA), Công ty Black&Veatch Management và đại diện Công ty TNHH kết nối năng lượng sạch Mekong thỏa thuận tài trợ thực hiện nghiên cứu khả thi Dự án đường dây truyền tải điện Bạc Liêu.
Cũng trong sáng 11/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper cũng chứng kiến Lễ trao một số thỏa thuận hợp tác giữa các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp hai nước.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius-Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) trao thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đại diện Tập đoàn GE (Hoa Kỳ) trao thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát điện và truyền tải; trao đổi thông tin công nghệ mới áp dụng cho hệ thống điện của Hoa Kỳ; đào tạo và cung cấp dịch vụ cho các dự án điện khí giai đoạn 2022 – 2027.
Đại diện Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) và đại diện Tập đoàn GE (Hoa Kỳ) trao thỏa thuận về hợp tác đầu tư nâng cao hiệu suất vận hành Nhà máy điện Nhơn Trạch 1.
Cũng trong sáng cùng ngày, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác chiến lược, thúc đẩy hỗ trợ các Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (DNNVV) tiếp cận tài chính và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm tài trợ chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp HDBank xây dựng danh mục tài trợ chuỗi cung ứng lên tới 1 tỷ USD trong 3 năm tới; Đồng thời phát triển danh mục Tài trợ chuỗi (SCF) - hiện đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, kinh doanh nông sản, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ và phân phối tiêu thụ xăng dầu.
IFC sẽ hỗ trợ HDBank thiết kế chiến lược SCF cho lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời mở rộng các sản phẩm SCF của mình — đặc biệt là tài trợ cho nhà cung cấp và nhà phân phối — từ đó thu hút các doanh nghiệp đầu ngành cùng với các nhà cung cấp và các nhà phân phối của họ cùng tham gia vào chuỗi cung ứng.
“SCF với vai trò chính là liên kết người mua, nhà cung cấp, và các tổ chức tài chính sẽ hỗ trợ hiệu quả các chu kỳ thương mại. Sự hỗ trợ kịp thời của IFC sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tận dụng các cơ hội mới trong giao thương và cải thiện tính liên kết của chính họ với các chuỗi cung ứng chính thức, góp phần vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank cho biết.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế và có vai trò thiết yếu đối với mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất chế tạo trong khu vực của Việt Nam”, bà Stephanie von Friedeburg, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao của IFC cho biết.
Hỗ trợ của IFC đối với các định chế tài chính trong nước như HDBank sẽ góp phần thúc đẩy liên kết của DNVVN với chuỗi cung ứng toàn cầu, mở ra các cơ hội phát triển và tạo thêm việc làm.