Thủ tướng chủ trì triển khai chương trình hành động phát triển vùng Đông Nam Bộ

TPO - Với mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, các doanh nghiệp đã thảo luận đưa ra các giải pháp thực hiện. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các mô hình phát triển kinh tế của các tỉnh, thành

Ngày 26/11, tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Đông Nam Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến 2045 và xúc tiến đầu tư vùng Đông Nam Bộ.

Dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, TP.HCM) và 2 tỉnh miền Tây Nam Bộ là Long An, Tiền Giang.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, ngày 7/10, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến 2030, tầm nhìn đến 2045 (Nghị quyết số 24). Ngày 23/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154 để thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành những nhiệm vụ cụ thể như: Tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để thành cụm liên kết ngành công nghiệp; phát triển thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế của Đông Nam Á; phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; TPHCM là đô thị hạt nhân, tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, tài chính quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chương trình hành động thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong vùng.

Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng. Đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.

Về mục tiêu, chương trình hành động xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội và môi trường, phấn đấu đến năm 2030 đạt một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 380 triệu đồng/năm. Tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%). Tỉ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 30-35%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40-45%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những mặt được và chưa được trong phát triển vùng Đông Nam Bộ, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong Nghị quyết đã nói rõ.

Theo Thủ tướng, hạn chế hiện nay là vùng Đông Nam Bộ có tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng cơ chế chính sách còn hạn hẹp. Kết nối hạ tầng chưa hiệu quả, đồng bộ, chưa đầy đủ, toàn diện, cắt khúc nhiều. Chưa phát huy hết nội lực, nguồn lực chất lượng cao chưa ngang tầm với vị thế. Khoa học có phát triển nhưng chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển, mong muốn; Phát triển văn hóa chưa theo kịp phát triển kinh tế, chính trị xã hội chưa được chú trọng.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, tỉnh, thành và các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã trình bày các tham luận về đường hướng phát triển, những cơ hội và thách thức của ngành đối với mục tiêu phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Thủ tướng chỉ rõ, vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh, hài hòa , bao trùm, tổng thể nhưng phải bền vững, phải có những giải pháp tư duy đột phá tạo nên các giá trị mới.

“Chúng ta phải có tư duy, tự lực tự cường đi lên từ khối óc, đi lên từ nội lực lâu dài. Tuy nhiên phải kết hợp với ngoại lực, đó là tiếp thu công nghệ, thu hút vốn, tạo nguồn nhân lực khoa học quản lý. Có đột phá về văn hóa, giáo dục, y tế ngang tầm phát triển trong khu vực, góp phần hoàn thiện con nguời Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp như việc của mình, góp phần xây dựng định hướng thị trường nhà nước pháp quyền XHCN vì mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nêu rõ các địa phương phải chú trọng xây dựng nhà ở cho công nhân, các thiết chế văn hóa, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các mô hình phát triển kinh tế của các tỉnh

Trong khuôn khổ hội nghị, cũng diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ giữa Bộ KH-ĐT với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"Hỗ trợ doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp như việc của mình, góp phần xây dựng định hướng thị trường nhà nước pháp quyền XHCN vì mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh” - Thủ tướng Phạm Minh Chính.