Thủ tướng chỉ đạo xử lý ô nhiễm ở Hà Nội, TPHCM

TP - Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT cùng 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ xử lý vấn đề ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức cao. Ảnh: Hồng Vĩnh

Chiều 2/10, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý một số vấn đề xã hội gây bức xúc thời gian qua, nhất là các vụ giết người dã man, tai nạn giao thông nghiêm trọng, dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, tín dụng đen, ô nhiễm môi trường, úng lụt…

Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT cùng 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, sớm báo cáo Thủ tướng, “không để vấn đề bức xúc như vậy, người dân kêu mà không xử lý”…

Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi liên quan đến ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nói về thực tế  hiện có nhiều ứng dụng trên điện thoại di động phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, các trang phản ánh chất lượng không khí toàn cầu là trang mạng nước ngoài. Theo ông Thành, có những thiết bị đo theo công nghệ mới hiện nay, như thiết bị cầm tay cũng cho ra kết quả tức thời, nhưng độ chính xác chưa được chuẩn hóa nên thông tin trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo. “Nếu muốn có thông tin chính thức thì vào trang chính thống của cơ quan chức năng như Tổng cục Môi trường”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng thông tin, Hà Nội và TPHCM đều đã có kế hoạch lắp thêm trạm đo chất lượng không khí. Nhưng theo ông, chất lượng không khí sụt giảm cũng có lúc, có nơi và phụ thuộc vào nơi lắp đặt thiết bị đo. “Có nơi đặt thiết bị gần nơi có bụi thì chỉ số cao nhưng không đại diện cho môi trường nơi đó”, Thứ trưởng Lê Công Thành lý giải. Còn về dài hạn, Chính phủ có kế hoạch theo dõi, giám sát, tăng cường chất lượng không khí cũng như ban hành các quy định, giảm các nguồn có thể phát thải bụi mịn vào không khí.

Ô nhiễm do biến đổi khí hậu?

Thông tin về ô nhiễm không khí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, đây là thời điểm đang có biến đổi khí hậu công thêm yếu tố chuyển mùa. Vừa qua không có gió và mưa, tạo lớp sương mù nên hiện tượng khuyếch tán bụi hạt mịn có tác động rất lớn. Theo ông Hùng, Hà Nội có 11 trạm quan trắc, theo dõi tất cả các chỉ số  đều đạt tiêu chuẩn, riêng hạt bụi mịn thì vượt ngưỡng.

Lãnh đạo Hà Nội cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm, như khí thải từ phương tiện ôtô, xe máy, đốt than tổ ong, xây dựng công trình, người dân đốt rơm rạ ở ngoại thành… Ngoài khắc phục những nguyên nhân gây ô nhiễm trên, theo ông Hùng, Hà Nội đến năm 2020 sẽ hoàn thành lắp đặt 25 trạm quan trắc theo đúng quy chuẩn của Việt Nam.

Phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019 chiều 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng, trong đó tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, cao nhất trong vòng 9 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.