Thông điệp của ông rất ngắn gọn: “Hoàn thành Brexit”. Cách này đã hiệu quả. Ngoài chiến lược nhắm vào các cử tri dễ dao động ở những quận mà Công đảng thường được ủng hộ, ông Johnson muốn đánh thẳng vào trái tim của Công đảng với hy vọng thuyết phục được những người chưa từng bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ nhưng Brexit ảnh hưởng đến cả lòng trung thành của họ với đảng truyền thống, theo Reuters.
Đảng Bảo thủ giành được chiến thắng vang dội, thu về hơn 360 trong tổng số 650 ghế ở hạ viện - mức cao nhất mà đảng này từng giành được kể từ thời của bà Margaret Thatcher trong những năm 1980. Kết quả này không chỉ trao cho ông Johnson chiến thắng đầu tiên trong cuộc bầu cử toàn quốc mà còn giáng một đòn đau vào đối thủ Jeremy Corbyn của Công đảng.
Đối với vị thủ tướng 55 tuổi nhậm chức từ mùa hè này sau khi người tiền nhiệm từ chức, việc kêu gọi bầu cử sớm là ván cược đầy rủi ro. Nhưng ông cũng coi đây là việc cần thiết để biến chuyển tình thế khi đảng của ông chỉ chiếm thiểu số trong hạ viện thành phe chiếm đa số, để từ đó ông có thể thúc đẩy chương trình hành động của mình. Trong những kế hoạch đó có việc đưa nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới ra khỏi EU vào cuối tháng sau, đánh dấu bước chuyển đáng kể nhất về thương mại và ngoại giao của nước này kể từ sau Thế chiến 2.
“Cuộc bầu cử này có nghĩa rằng hoàn tất Brexit giờ là quyết định không thể bác bỏ, không thể cưỡng lại, không thể chối cãi của người dân Anh”, ông Johnson phát biểu vào sáng qua.
Các lãnh đạo EU hôm qua nhóm họp để thảo luận về việc Anh rời khỏi khối vào ngày 31/1, dù có hay không có thỏa thuận. Dù nhiều lãnh đạo EU giờ có thể thở phào vì câu chuyện Brexit cuối cùng cũng có hồi kết, nhưng nhiều người có vẻ vẫn buồn trước sự ra đi của một thành viên nặng ký.
Khi Anh tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016 về việc rời khỏi EU, có những lo ngại rằng điều này sẽ thôi thúc các thành viên khác làm theo. Nhưng những lo ngại đó đã biến mất vì quá trình này gây chia rẽ về chính trị quá khủng khiếp.
Con đường dẫn đến sự kiện Anh ra khỏi EU đã sáng tỏ, nhưng quan hệ tương lai giữa hai bên thì chưa. Những cuộc bàn bạc về tương lai đó chỉ có thể bắt đầu sau khi Anh chính thức bước đi.
Sau khi chúc mừng ông Johnson với chiến thắng vừa qua, tân Chủ tịch hội đồng châu Âu Charles Michel nói: “Chúng tôi kỳ vọng cuộc bỏ phiếu của quốc hội Anh về thỏa thuận rút ra được tổ chức càng sớm càng tốt”.
“Chúng tôi đã sẵn sàng...Chúng tôi sẽ đàm phán để có quan hệ hợp tác gần gũi với nước Anh trong tương lai”, AP dẫn lời ông Michel nói với báo giới ngày 13/12.
Ứng xử với Mỹ - Trung
Một điều nữa mà giới phân tích quan tâm là Anh sẽ ứng xử với các đối tác thương mại quan trọng khác như thế nào, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ.
Một thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể hấp dẫn nhiều người trong đảng của ông Johnson, nhưng khả năng Washington cứng rắn trong đàm phán có thể gây nản lòng. Trung Quốc tạo ra đối trọng để Anh không dựa vào Washington quá nhiều, nhưng cũng đặt ra hàng loạt vấn đề khác.
CNN dẫn phân tích của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và phát triển đánh giá Trung Quốc có thể là bên hưởng lợi nhiều nhất nếu Brexit diễn ra không có thỏa thuận.
Người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May rất nỗ lực để thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc trước khi bà thất bại với kế hoạch Brexit.
Anh hiện chưa có thỏa thuận thương mại lớn nào với Trung Quốc, nghĩa là còn nhiều dư địa để hai bên tiến tới. Bắc Kinh chắc chắn sẵn sàng phát triển quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với Anh, vì điều đó cũng sẽ giúp họ gia tăng ảnh hưởng ở châu Âu, dù London không còn là thành viên của EU.
“Các học giả Trung Quốc đánh giá Brexit sẽ làm suy yếu vị thế của EU trên chính các giá trị của họ, khiến châu Âu phải hạ thấp quan điểm khi chỉ trích Trung Quốc trong những vấn đề nhân quyền... Cạnh tranh kinh tế giữa Anh và EU để thu hút đầu tư của Trung Quốc cũng có thể dẫn đến những điều khoản tốt hơn cho các công ty Trung Quốc”, CNN dẫn đánh giá của ECFR, một tổ chức nghiên cứu xuyên châu Âu.