Tận thấy “siêu” máy bay A380
Chúng tôi đến Toulouse vào trung tuần tháng 11/2014. Thành phố miền Nam nước Pháp đang vào dịp cuối thu, đầu đông, trời bắt đầu se lạnh. Trên con đường dẫn vào trung tâm thành phố, hai hàng cây ngả màu vàng úa, đẹp đến mê hồn. Nếu như Paris là kinh đô ánh sáng thì Toulouse được mệnh danh là thành phố màu hồng xinh đẹp, thơ mộng với dòng sông Garonne hiền hòa êm trôi. Trước mặt chúng tôi là những khu công nghiệp nối tiếp nhau, đến đâu cũng thấy dòng chữ Airbus to đùng.
Xe dừng lại trước một cổng lớn, mọi người làm thủ tục vào nhà máy. Một chiếc ti vi treo trang trọng ở khu vực ai cũng có thể nhìn thấy, Airbus cho chạy đoạn phim về các đối tác.
“Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng không dẫn đầu thế giới với 24 sân bay thương mại đang hoạt động, trong đó có 9 sân bay quốc tế. Chính phủ có chính sách đầu tư mạnh mẽ cho các sân bay và dịch vụ hàng không”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu
Nơi mục sở thị đầu tiên là khu mô hình các loại máy bay của Airbus, từ A320 đến “siêu” máy bay như A380, A350. Khu trưng bày rất sang trọng. Mỗi mô hình (là một chiếc máy bay thật) trưng bày giống như một tác phẩm nghệ thuật, với đầy đủ hình ảnh, góc độ, tính năng kỹ thuật... mà khi nhìn thấy, các đại gia kinh doanh vận tải trên thế giới có thể ngay lập tức đặt hàng, lựa chọn loại máy bay ưng ý nhất.
Có lẽ, ấn tượng nhất với chúng tôi là khu trưng bày “siêu” máy bay A380 và A350. “Phía trước chúng ta là loại máy bay dân dụng lớn và hiện đại nhất thế giới hiện nay A380”, vị phiên dịch của Airbus giới thiệu. Được biết, Toulouse chính là nơi chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới A380 được lắp ráp. Hiện, Airbus A380 là loại máy bay thống trị ngành công nghiệp vận tải hành khách thế giới. Qua quan sát, chiếc máy bay có 2 tầng và 4 động cơ phản lực. Nhờ những tính năng của một “siêu” máy bay, A380 có thể vượt qua quãng đường dài tới 16.000km với vận tốc Mach 0,85 (tương đương 1.050km/h). Nếu chỉ trang bị hạng ghế phổ thông, phi cơ A380 có thể chuyên chở tối đa 853 hành khách. Nếu thêm loại ghế đặc biệt khác, sức chở đạt 555 người. Theo lãnh đạo Airbus, chiếc A380 có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 560 tấn, chứa được 310.000 lít nhiên liệu, đủ cho hành trình dài tới 16.000km, ở độ cao trung bình 13.100m.
Rời khu trưng bày, chúng tôi được đại diện Airbus dẫn sang khu lắp ráp, sản xuất máy bay. Từ xa, nhiều loại máy bay đang được các kỹ sư Airbus hoàn thiện những khâu cuối cùng. Trong đó, mũi chiếc A380 được lắp ráp ở Trạm 40 tại Nhà máy Blagnac. Từ xa đã thấy những cái đầu khủng của chiếc A380. Phía chỏm đầu máy bay sơn màu đỏ, trong khi phần vỏ màu xanh nhạt. Nhiều kỹ sư Airbus cười thân thiện, vẫy tay chào chúng tôi. Theo tiết lộ, bộ phận chính của máy bay A380 (thân, cánh, đuôi…) được chế tạo tại các nhà máy khác của Airbus, nhưng sau đó, vận chuyển tới nhà máy ở Blagnac để lắp ráp và hoàn thiện.
Dấu ấn thương vụ 9,1 tỷ USD
Sau khi tận thấy công đoạn sản xuất siêu máy bay A380, lãnh đạo Airbus lại đưa chúng tôi đến dây chuyền sản xuất máy bay A320. Khu sản xuất A320 rộng lớn với hàng loạt máy móc, các cần cẩu to lớn chọc thẳng lên trời. Ông Jonh Leahy, Tổng Giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus không ngần ngại cho biết, các bạn đến đây để thấy dấu ấn của thương vụ 9,1 tỷ USD giữa Airbus và Việt Nam. Thương vụ thể hiện bước tiến quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. “Thực tế, hợp đồng 100 chiếc máy bay (trị giá 9,1 tỷ USD) của Airbus bán cho đối tác Việt Nam đã thành công, chúng tôi đã bàn giao chiếc máy bay A320 đầu tiên”, ông nói.
Giữa tiết trời se lạnh của Toulouse, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành Vietjet không ngần ngại tiết lộ với PV Tiền Phong rằng, để thu xếp nguồn tài chính thực hiện hợp đồng, hãng hợp tác với các ngân hàng, thể chế tài chính hàng đầu trong khu vực và thế giới. Ngoài những ngân hàng lớn như Vietcombank, Ngân hàng BNP Paribas hiện là đối tác tư vấn và thu xếp tài chính mua máy bay cho hãng.
Theo ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT, quan hệ hợp tác giữa Airbus và Việt Nam tới đây sẽ chuyển sang một giai đoạn mới. “Ngoài dấu ấn thương vụ 9,1 tỷ USD, tôi vui mừng thông báo rằng, một số linh kiện của Airbus bắt đầu sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ luôn chào đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất hàng không vũ trụ và hạ tầng sân bay, dịch vụ hàng không”, ông Tiêu nói.
Theo ông Jonh Leahy, trước đó, tại triển lãm hàng không (AirShow) ở Singapore đầu năm 2014, Vietjet và Airbus ký hợp đồng triển khai đơn hàng hơn 100 máy bay. Đây là hợp đồng mua bán dòng máy bay một lối đi mới và hiện đại nhất của Airbus.