Thi khối phụ nhưng là thủ khoa
Sáng 19/7, chia sẻ với PV, Tấn vẫn chưa hết bất ngờ khi biết mình là thủ khoa của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ba mẹ và em gái cũng vậy. Cả gia đình lâu lâu lại nhìn nhau cười như chưa tin đây là sự thật.
Năm nay, Tấn chọn thi trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ngành Công nghệ thông tin khối A và ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, ngành Y đa khoa khối B. “Do gia đình hướng em theo nghề bác sĩ nên em học thiên về khối B hơn, trong kỳ thi, em cũng chủ yếu mong chờ vào khối B, còn khối A là thi dự phòng, nhưng ai ngờ lại là thủ khoa”, Tấn cười nói.
Theo chị Ngô Thị Thu, mẹ Tấn, thì khoảng 9 giờ tối 18/7, thầy quản nhiệm lớp của Tấn gọi điện thoại về cho gia đình để báo tin. “Nghe điện thoại, tôi cũng lo lắm, nhưng khi thầy nói “Em Tấn đỗ thủ khoa rồi, 26 điểm lận” thì cả ba mẹ con vui mừng quá, vừa ôm nhau vừa la cười, vang khắp nhà”, chị Thu kể.
Ngay sau khi biết tin, Tấn nhấc ngay điện thoại báo tin cho bố là anh Nguyễn Hữu Thái, đang làm ca đêm tại một công ty ở Khu công nghiệp Bình Dương. “Báo tin vui cho ba nhưng Tấn rưng rưng nước mắt vì ba vẫn phải làm việc thâu đêm”, mẹ Tấn kể.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, ông nội Tấn, năm nay 80 tuổi, vẫn một mình đi xe máy hơn 5km đến trường cám ơn thầy cô, rồi chạy đến tận nhà chúc mừng cháu.
Tấn vẫn chờ thêm tin vui nữa đến từ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch. Bài thi khối B vào ĐH Y này, Tấn dự đoán mình đạt khoảng 25- 26 điểm.
Học tự nhiên nhưng thích Địa lý
Tấn nói: “Mặc dù học thiên về tự nhiên nhưng sở thích của em là môn Địa lý bởi môn học này cho em nhiều kiến thức về khí hậu, các quốc gia và châu lục trên thế giới. Hầu như năm học nào, điểm tổng kết môn Địa của em cũng trên 9 phẩy”.
Bên cạnh việc đọc sách, hỏi thăm thầy cô và bạn bè, Tấn còn làm thơ, làm văn để dễ thuộc công thức.
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tấn đạt 38 điểm, đứng thứ hai trong lớp, trong đó, môn Văn được 8 điểm là nhờ vào công của ba mẹ nhiều nhất. Trước ngày thi, cả nhà ngồi lại với nhau để tranh luận đề thi môn Văn. Do xem thời sự nhiều nên bố mẹ Tấn dự đoán đề năm nay sẽ đề cập tình hình biển Đông, trong khi đó, Tấn học nội trú nên không có nhiều thời gian tiếp cận báo chí, tivi…
“Sau khi thống nhất, ba mẹ vạch ra những mốc sự kiện, những ý kiến thời sự về tình hình biển Đông ra giấy rồi đưa em đọc và nghiên cứu. Đến khi đề ra trúng tủ, em ngồi làm khí thế lắm”, Tấn nói.